Phát triển chuỗi giá trị, tạo sức bền vững cho ngành gỗ

73 Lượt xem

Trong 2 thập kỷ trở lại đây ngành gỗ đã có những bước phát triển đột phá. Từ giá trị kim ngạch xuất khẩu 219 triệu USD năm 2000, ngành đã đạt con số 11,31 tỉ USD năm 2019. Và năm 2020 là năm bản lề để hướng tới mục tiêu đạt giá trị xuất khẩu 20 tỉ USD vào năm 2025 mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao cho ngành gỗ. Dưới đây là những nhận định của ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam về những kế hoạch lớn của ngành trong năm 2020 để có thể đạt được mục tiêu sau 5 năm nữa.

Để đạt được cột mốc 20 tỉ USD, ngành gỗ cần làm nhiều việc, một trong số đó là phát triển liên kết và tạo ra các chuỗi giá trị từ khâu nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho tới khâu xuất khẩu. Phát triển chuỗi giá trị bền vững trong lâm nghiệp là một trong điều kiện sống còn cho ngành gỗ. Chuỗi giá trị trong lâm nghiệp bao gồm các khâu từ trồng rừng đến khai thác, chế biến, thương mại và xuất khẩu. Trong chuỗi giá trị này có các liên kết giữa các cá nhân/doanh nghiệp trong các khâu khác nhau của chuỗi cung, ví dụ liên kết giữa các hộ dân trồng rừng và các doanh nghiệp chế biến gỗ. Các liên kết này thường được gọi là liên kết dọc. Bên cạnh đó, chuỗi giá trị cũng bao gồm các liên kết giữa các cá nhân/doanh nghiệp trong cùng một khâu, ví dụ các doanh nghiệp cùng sản xuất một nhóm mặt hàng, hoặc các hộ trồng rừng nguyên liệu. Đây được gọi là liên kết ngang. Vận hành của chuỗi giá trị, bao gồm cả việc hình thành và hoạt động của các liên kết được điều chỉnh bởi môi trường thể chế, chính sách và cung – cầu thị trường. Đến nay, các liên kết trong chuỗi giá trị của ngành gỗ, bao gồm cả liên kết dọc và ngang còn rất hạn chế. Các liên kết theo chuỗi sản xuất khép kín còn rất nhiều hạn chế. Các liên kết được hình thành mới chỉ dừng lại ở quy mô còn nhỏ lẻ, giữa các hộ trồng rừng và một số công ty chế biến gỗ như Scancia Pacific, Woodsland, Công ty Cổ phần Lâm sản Nam Định.

Các doanh nghiệp FDI hiện đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu, với kim ngạch xuất khẩu từ khối này chiếm gần một nửa kim ngạch xuất khẩu hàng năm của ngành. Tuy nhiên liên kết giữa các khối này và các doanh nghiệp nội địa gần như không tồn tại. Điều này tạo ra một thực tế rằng ngành gỗ vẫn tồn tại 2 mảng – FDI và nội địa – riêng rẽ, hiện nay ngành còn thiếu các động lực cả về mặt thể chế chính sách và nguồn lực cần thiết nhằm hình thành và thúc đẩy các chuỗi giá trị đi theo hướng phát triển bền vững. Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra mục tiêu 20 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu đến 2025 – một con số gần gấp đôi so với con số kim ngạch hiện nay. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi ngành cần có những thay đổi căn bản cả về các hoạt động và chiến lược kinh doanh trong từng doanh nghiệp, và chiến lược phát triển trong tất cả các khâu của ngành ngành. Môi trường thể chế và chính sách cũng cần phải thông thoáng, nhằm tạo điều kiện tối đa cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần thúc đẩy kênh quảng bá thông tin về thương hiệu gỗ và ngành gỗ sạch của Việt Nam.

Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam

Bài viết liên quan