Ngành gỗ và lâm sản tiếp tục tăng trưởng, hướng đến mục tiêu 14,5 tỷ USD

25 Lượt xem

Tại hội nghị “Doanh nghiệp ngành gỗ chuẩn bị phục hồi trong bối cảnh bình thường mới” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức sáng 29/10, các đại biểu cho rằng, mục tiêu 14,5 tỷ USD về xuất khẩu gỗ và lâm sản của năm nay sẽ đạt được.

Khảo sát của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho thấy, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đã có hơn một nửa số doanh nghiệp tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh phải ngừng hoạt động, các doanh nghiệp còn lại đã cắt giảm công suất, cố gắng duy trì được khoảng 60% đến 70% lượng công nhân làm việc. Đến nay, khi dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát ở các tỉnh, thành phố; nhiều địa phương đã “từng bước mở cửa” và cho phép mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa bàn trong trạng thái bình thường mới.

Một trong nhiều vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận tại hội nghị là chi phí xét nghiệm; môi trường lưu trú của người lao động; việc tiếp cận vaccine. Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia Tổ chức Forest Trends cho biết, khảo sát nhanh trong tháng 8 đối với cộng đồng các doanh nghiệp ngành gỗ và lâm sản cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đã có sự chủ động về kế hoạch để phục hồi sản xuất trong bối cảnh bình thường mới.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành gỗ.

Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, từ đầu tháng 10, ngành gỗ và lâm sản đã có sự tăng trưởng trở lại so với tháng trước đó, đây là nỗ lực của các doanh nghiệp và với việc cam kết và chủ động trong xây dựng kế hoạch những tháng cuối năm và kế hoạch năm tới thì mục tiêu 14,5 tỷ USD xuất khẩu trong năm nay vẫn có thể đạt được. Tuy nhiên, thời gian tới các doanh nghiệp cũng cần nhận diện đúng tình hình và các cơ hội để xây dựng chiến lược, kế hoạch cụ thể phục hồi và phát triển trong tình hình mới, tạo động lực thúc đẩy ngành chế biến gỗ và lâm sản tiếp tục tăng trưởng ổn định bền vững.

“Nghị quyết số 128 của Chính phủ là tiền đề để không khơi thông cho quá trình hoạt động sản xuất. Các doanh nghiệp đã có những kế hoạch chiến lược để phục hồi sản xuất rất cụ thể, trong đó, có lộ trình cho giai đoạn 3 tháng cho giai đoạn 6 tháng cho giai đoạn 12 tháng. Huy động nguồn lao động cũng đã được các doanh nghiệp quan tâm và yếu tố nữa là chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào. Một điểm rất quan trọng đối với doanh nghiệp là phải duy trì và các đối tác và các bạn hàng để đảm bảo cung cấp sản phẩm theo đơn hàng đã được đặt ra. Như vậy, chúng ta sẽ giữ được bạn hàng trong những tháng cuối năm và kế hoạch của năm 2022 tới”, ông Bùi Chính Nghĩa nói./.

Theo Minh Long/VOV1

  • “Hội thảo Xúc tiến sử dụng sản phẩm gỗ Nhật Bản tại Việt Nam năm 2021” sắp diễn ra
  • Những kết quả đạt được từ việc thí điểm chính thức hóa kinh doanh và thúc đẩy tuân thủ các quy định pháp lý về gỗ
  • Ra mắt khoá học trực tuyến về Trách nhiệm giải trình (DDS)
  • Nhà gỗ Nhật Bản – Thỏi nam châm mới của giới bất động sản Việt Nam
  • 14 hiệp hội đồng loạt đề nghị miễn đóng phí công đoàn đến hết năm 2021
  • Tuyển chuyên gia

 

 

Bài viết liên quan