Hội thảo “Việt Nam xuất khẩu dăm gỗ: Những thách thức mới”
38 Lượt xem
Ngày 15 tháng 7 năm 2016, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Gỗ Dăm Xuất khẩu Quảng Ngãi và Forest Trend tổ chức Hội thảo: “Việt Nam xuất khẩu dăm gỗ: những thách thức mới”.
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh giá dăm gỗ xuất khẩu giảm mạnh làm cho ngành công nghiệp sản xuất dăm gỗ của Việt Nam, với định hướng hoàn toàn vào xuất khẩu, gặp thử thách vô cùng khắc nghiệt. Hàng loạt các vấn đề liên quan đã được bản thảo, trong đó nổi lên là vấn đề áp thuế xuất khẩu 2% đối với dăm gỗ có hiệu lực từ đầu năm 2016. Sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách chủ chốt, của rất đông đảo các doanh nghiệp chế biến dăm xuất khẩu và của nhiều phóng viên từ các cơ quan báo chí, truyền thông đã cho thấy độ “nóng” của chủ đề được bàn thảo.
Theo số liệu thống kê, lượng dăm gỗ xuất khẩu của Việt Nam đã tăng đột biến trong giai đoạn 2011-2015, từ 2,3 triệu tấn tăng lên trên 8 triệu trong năm 2015, với kim ngạch đạt trên 1,2 tỷ USD và Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu dăm gỗ lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2016, lượng dăm xuất khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2015, chỉ đạt 1,8 triệu tấn, với giá trị xuất khẩu ở mức 248 triệu USD. Giá dăm xuất khẩu giảm mạnh xuống 125 USD/tấn khô và dự báo kim ngạch xuất khẩu dăm sẽ chỉ bằng một nửa của năm 2016.
Báo cáo của nhóm chuyên gia nghiên cứu thực trạng chế biến và xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm giá dăm trong thời gian vừa qua. Giá dầu thế giới giảm mạnh làm cho chi phí vận tải biển cũng gảm nhiều, các nhà cung cấp dăm từ các nước châu Phi, châu Mỹ, châu Úc có thể dễ dàng vươn đến các thị trường xa hơn như Trung Quốc, Nhật Bản. Nguồn cung dồi dào đã làm cho Việt Nam mất đi lợi thế so sánh và khả năng cạnh tranh trong chế biến và xuất khẩu dăm gỗ.
Ở trong nước, sự phát triển nóng của các cơ sở chế biến dăm dẫn đến sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các doanh nghiệp và đẩy giá dăm xuống thấp. Chất lượng dăm xuất khẩu của Việt Nam sau một thời gian phát triển nóng cũng là vấn đề rất đáng quan ngại. Thời điểm Chính phủ áp thuế 2% ngẫu nhiên trùng với thời điểm khủng hoảng thừa nguồn cung dăm gỗ của thế giới làm cho ngành công nghiệp dăm gỗ của Việt Nam gặp khó khăn “kép”.
Theo các chuyên gia nhận định việc áp thuế 2% đã làm tăng chi phí sản xuất từ 2,5 – 3 USD/đơn vị sản phẩm. Người nông dân chịu thiệt thòi khi giá thu mua nguyên liệu buộc phải giảm theo. Tuy nhiên, điều mà nhiều đại biểu quan ngại tại Hội thảo là 2% thuế xuất khẩu dăm đã bị đẩy hầu như toàn bộ về phía nông dân trồng rừng, với giá mua nguyên liệu giảm mạnh. Trong bối cảnh này, chỉ có một bộ phận nông dân khá giả hơn giữ lại rừng, phần còn lại vẫn phải chặt hạ rừng trồng keo 4 – 5 tuổi, theo kiểu “bán lúa non”, và có nơi phải chấp nhận giảm giá bán nguyên liệu tới 30%.
Tại Hội thảo, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông, nhấn mạnh sự cần thiết phải tái cấu trúc ngành công nghiệp gỗ theo hướng chế biến theo chiều sâu, tạo ra nhiều giá trị gia tăng. Mặc dù đánh giá cao đóng góp của xuất khẩu dăm gỗ trong việc duy trì tăng trưởng xuất khẩu ngành hàng nông – lâm – thủy sản, Thứ trưởng Tuấn cũng cho rằng việc trở thành nhà xuất khẩu dăm gỗ hàng đầu của thế giới không mang lại “vinh quang” cho Việt Nam. Ông Tuấn nêu thực tế năm 2015 nước ta xuất khẩu trên 8 triệu tấn, sử dụng khoản 16 triệu m3 nguyên liệu gỗ, đạt kim ngạch gần 1,2 tỷ USD. Trong khi đó, đồ mộc xuất khẩu chỉ sử dụng khoảng 7 triệu m2 gỗ nguyên liệu (bao gồm cả gỗ khai thác trong nước và gỗ nhập khẩu), nhưng đã tạo ra tổng giá trị xuất khẩu (đồ mộc nội và ngoại thất) xấp xỉ 6 tỷ USD. Ông Tuấn đề cập tới việc phát triển dăm quá nóng sẽ dẫn tới sự thiếu hụt nguyên liệu cho ngành chế biến đồ mộc xuất khẩu. Chia sẻ đề nghị cấp thiết của doanh nghiệp về việc giảm, hoặc hoãn thu thuế xuất khẩu dăm gỗ, ông Tuấn cho rằng các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục suy ngẫm và xem xét chính sách thuế, đặc biệt là đối với nguồn dăm sản xuất từ gỗ tận dụng cành ngọn và phế liệu gỗ, tạo nguồn thu bổ sung cho các xưởng xẻ và các nhà máy sản xuất đồ mộc.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho rằng sự phát triển nóng của ngành dăm gỗ xuất khẩu Việt Nam, từ trên dưới 2 triệu tấn/năm trong suốt nhiều năm liền, lên tới 8 triệu tấn/năm trong năm 2015, đã góp phần làm cho giá dăm gỗ thế giới sụt giảm nghiêm trọng. Ông Hoài chia sẻ thông tin về việc các nước xuất khẩu nhiều dăm gỗ như Úc và New Zealand kêu ca Việt Nam làm phá giá dăm trên thị trường thế giới và các chuyên gia quốc tế khuyến cáo Việt Nam chỉ nên duy trì lượng dăm gỗ xuất khẩu ở mức 5 triệu tấn/năm. Ông Hoài cũng cảnh báo việc Việt Nam quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc (tiêu thụ trên 40% dăm gỗ của Việt Nam) và hệ lụy nhãn tiền của sự phụ thuộc này nếu các nhà sản xuất dăm Việt Nam không cải thiện chất lượng, đa dạng hóa khách hàng và hiệp lực để tăng “sức đề kháng” trước những “nóng-lạnh” thị trường và có tiếng nói chi phối nhất định trên thị trường thế giới. Theo ông Hoài, không nên nhìn nhận việc Chính phủ áp thuế xuất khẩu 2% như là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự sụt giảm mạnh xuất khẩu dăm gỗ trong năm 2016.
Cao Thanh, VIFORES