Hỏi đáp Giải trình gỗ nhập khẩu

#
Tiêu đề
Lĩnh vực
Ngày trả lời

Câu hỏi: Tôi được cấp 01 giấy phép CITES nhập khẩu cho 1 lô hàng gỗ từ Châu Phi. Trong quá trình vận chuyển hàng hóa bị rớt 01 container về sau so với các container khác. Vậy tôi có được cấp tách thành 02 giấy phép CITES hoặc sử dụng 01 giấy phép CITES đã được cấp để nhập khẩu 02 lần cho container bị rớt về sau không?

Trả lời: Khoản 5 Điều VI Công ước CITES quy định: “Mỗi một lô hàng yêu cầu có một giấy phép hoặc chứng chỉ riêng”.

Khoản 5 Điều 22 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP quy định: “Giấy phép, chứng chỉ CITES chỉ được cấp một bản duy nhất và luôn đi kèm lô hàng/mẫu vật CITES”.

Như vậy, lô hàng gỗ đã được quốc gia xuất khẩu cấp 01 giấy phép CITES xuất khẩu và Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp 01 giấy phép CITES nhập khẩu tương ứng sẽ chỉ được sử dụng giấy phép 01 lần để nhập khẩu, không được tách giấy phép hoặc sử dụng nhiều lần để nhập khẩu.

Trường hợp lô hàng bị rớt container, doanh nghiệp có thể chờ container bị rớt về để tiến hành mở tờ khai nhập khẩu lô hàng.

Câu hỏi: Chúng tôi được biết Chính phủ đã lấy ý kiến nhân dân về dự thảo nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 06/2019/NĐ-CP. Theo đó, gỗ tiền công ước đã hoàn thành thủ tục hải quan xuất khẩu, tái xuất khẩu trước ngày Phụ lục CITES có hiệu lực đối với mẫu vật của loài. Doanh nghiệp nhập khẩu gỗ gõ vào thời điểm cuối năm 2022 khi Hội nghị các quốc gia thành viên CITES lần thứ 19 quyết định thông qua việc bổ sung các loài phân bố ở châu Phi vào Phụ lục II CITES. Khi hàng về đến cảng Hải Phòng cũng là lúc Phụ lục CITES sửa đổi, bổ sung tại Hội nghị các quốc gia thành viên CITES lần thứ 19 có hiệu lực. Đến nay, Doanh nghiệp vẫn chưa thể thông quan do chưa đáp ứng theo yêu cầu về hồ sơ của pháp luật Việt Nam. Trong trường hợp này, nếu bản dự thảo nghị định được ban hành, lô hàng gõ của Doanh nghiệp có thuộc diện miễn trừ giấy phép CITES hay không?   

Trả lời: Qua vụ việc nhập khẩu gỗ gõ đỏ đầu năm 2023, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam đã nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ dự thảo Nghị định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi CITES (thay thế Nghị định số 06/2019/NĐ-CP và Nghị định số 84/2021/NĐ-CP), trong đó điểm a khoản 5 Điều 13 dự thảo Nghị định quy định không cấp giấy phép CITES nhập khẩu đối với trường hợp nhập khẩu mẫu vật tiền Công ước như sau:

“5. Không cấp giấy phép CITES xuất khẩu, tái xuất khẩu, nhập khẩu mẫu vật các loài động vật, thực vật thuộc Phụ lục CITES trong trường hợp:

  1. a) Nhập khẩu mẫu vật tiền Công ước:

Trường hợp mẫu vật của một loài thuộc Phụ lục II được xuất khẩu, tái xuất khẩu trước ngày các quy định của Công ước CITES áp dụng đối với loài đó, tổ chức, cá nhân nộp cho cơ quan hải quan bản chính vận đơn của lô hàng nhập khẩu;

Trường hợp nhập khẩu mẫu vật tiền Công ước được xuất khẩu, tái xuất khẩu từ ngày các quy định của Công ước CITES áp dụng đối với loài đó, tổ chức, cá nhân nộp cho cơ quan hải quan bản chính giấy phép CITES xuất khẩu, tái xuất khẩu hoặc chứng chỉ tiền Công ước của nước xuất khẩu, tái xuất khẩu mẫu vật.”

Hiện nay dự thảo Nghị định đang được Văn phòng Chính phủ rà soát, tiếp tục tham mưu các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Khi Nghị định được Chính phủ ban hành và có hiệu lực pháp luật (với giả thuyết quy định trên được giữ nguyên), nếu lô hàng của doanh nghiệp thuộc đối tượng nêu trên thì khi nhập khẩu sẽ không cần giấy phép CITES nhập khẩu.

Câu hỏi: Hàng vào kho ngoại quan sẽ nhập khẩu nguyên lô nhiều kiện nhưng khi xuất khẩu thì theo đơn hàng của khách hàng, vì vậy sẽ xuất khẩu nhiều lần (theo quy định hoạt động khu ngoại quan). Việc cấp giấy phép CITES xuất khẩu nhiều lần cho một lô hàng CITES nhập khẩu trước đó có được hay không? Doanh nghiệp phải thực hiện các bước thế nào để có thể thực hiện được việc này.

Trả lời:

Theo quy định của CITES, lô hàng là hàng hoá được vận chuyển theo một vận đơn hàng biển hoặc hàng không riêng, không quan trọng số lượng, số công-tơ-nơ hoặc số kiện; hoặc mặc trên người, được mang theo hoặc trong hành lý cá nhân.

Theo quy định tại khoản 5 Điều VI Công ước CITES và khoản 5 Điều 22 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP, mỗi một lô hàng yêu cầu một giấy phép CITES đi kèm.

Như vậy, trường hợp nhập khẩu một lô hàng, sau đó được tách nhỏ từng lô khác nhau để tái xuất khẩu theo yêu cầu của khách hàng, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép cho từng lô hàng xuất khẩu, tuy nhiên phải đảm bảo tổng số lượng các lô hàng xuất khẩu không vượt quá tổng số lượng lô hàng nhập khẩu đồng thời tuân thủ quy định pháp luật về quản lý và truy xuất nguồn gốc lâm sản (Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT).

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xuất khẩu, tái xuất khẩu thực hiện theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP (gồm Bản chính Đơn đề nghị cấp giấy phép CITES theo Mẫu số 12 ban hành kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP và hồ sơ chứng minh nguồn gốc mẫu vật).

Câu hỏi: Theo Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý và truy xuất nguồn gốc lâm sản, nếu gỗ thuộc Phụ lục CITES thì bảng kê lâm sản cần có xác nhận của cơ quan kiểm lâm. Thời gian hoàn thành trước ngày 30/9/2023. Trong trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng thời hạn này thì có cách nào để có được hồ sơ lâm sản hợp pháp hay không?

Trả lời: Điểm a khoản 3 Điều 33 Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT quy định: “Trường hợp chủ lâm sản cất giữ gỗ có nguồn gốc hợp pháp khai thác từ rừng tự nhiên, gỗ sau xử lý tịch thu, gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, gỗ thuộc Phụ lục CITES trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành khi mua bán, chuyển giao quyền sở hữu, vận chuyển thực hiện xác nhận bảng kê lâm sản theo quy định tại Điều 5 Thông tư này. Chủ lâm sản thực hiện thống kê gỗ có nguồn gốc hợp pháp khai thác từ rừng tự nhiên, gỗ sau xử lý tịch thu, gỗ thuộc Phụ lục CITES cất giữ tại cơ sở, lập Bảng kê lâm sản theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này gửi Cơ quan Kiểm lâm sở tại xác nhận, quản lý, thời gian hoàn thành trước ngày 30 tháng 9 năm 2023.”. Quy định này nhằm đảm bảo hồ sơ lâm sản được quản lý thống nhất theo quy định hiện hành.

Trường hợp chủ lâm sản vì lý do khách quan chưa thể hoàn thiện việc xác nhận lâm sản trước ngày 30/9/2023 theo quy định, đề nghị liên hệ với Cơ quan Kiểm lâm sở tại để được hướng dẫn, xem xét xác nhận bảng kê lâm sản theo quy định tại Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT.

Câu hỏi: Đối với những loài thuộc danh sách đỏ của IUCN nhưng không thuộc bất cứ Phụ lục nào của CITES. Khi xuất, nhập khẩu, Doanh nghiệp có phải xin giấy phép CITES hay không?

Trả lời:

Theo quy định của CITES và pháp luật Việt Nam hiện hành, khi nhập khẩu mẫu vật của loài thuộc danh sách đỏ của IUCN nhưng không thuộc bất cứ Phụ lục nào của CITES thì không phải xin giấy phép CITES xuất khẩu, nhập khẩu.

Trường hợp xuất khẩu mẫu vật của loài thuộc danh sách đỏ của IUCN đồng thời thuộc Phụ lục CITES hoặc/ và thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý, hiếm quy định tại Nghị định số 84/2021/NĐ-CP phải có giấy phép CITES theo quy định tại khoản 16 Điều 1 Nghị định số 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Trường hợp xuất khẩu mẫu vật của loài thuộc danh sách đỏ của IUCN nhưng không thuộc Phụ lục CITES và không thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý, hiếm quy định tại Nghị định số 84/2021/NĐ-CP thì không yêu cầu phải có giấy phép CITES.

Câu hỏi: Doanh nghiệp nhập khẩu gỗ thuộc Phụ lục III của CITES, căn cứ để xác định có cần xin giấy phép nhập khẩu hay không sẽ là nước xuất khẩu hay là nước khai thác. Ví dụ: Doanh nghiệp nhập khẩu loại gỗ A từ Anh, có nguồn gốc là từ Nam Phi.

Trả lời: Theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều V Công ước CTES thì: Xuất khẩu mẫu vật của loài thuộc Phụ lục III từ bất kỳ một quốc gia thành viên nào mà nước đó đưa vào Phụ lục III phải xuất trình giấy phép xuất khẩu được cấp trước đó; Việc nhập khẩu mẫu (trừ trường hợp nhập khẩu từ quốc gia tái xuất khẩu) vật loài thuộc Phụ lục III phải xuất trình chứng chỉ nguồn gốc và nếu mẫu vật được nhập khẩu từ nước đưa loài đó vào Phụ lục III thì phải có giấy phép xuất khẩu của nước đó.

Theo quy định tại khoản 4 Điều V Công ước CITES thì “Trong trường hợp tái xuất khẩu, khi có giấy phép do Cơ quan Quản lý của nước tái xuất khẩu cấp xác nhận rằng mẫu vật đã được chế biến tại nước đó hoặc được tái xuất, thì nước nhập khẩu sẽ chấp thuận mẫu vật đó đã tuân thủ theo các quy định hiện hành của Công ước”.

Mặt khác, theo quy định tại khoản 1 Điều 19 và điểm a khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 20 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP, điều kiện nhập khẩu mẫu vật thuộc Phụ lục III CITES phải có giấy phép CITES do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp. Như vậy, tất cả các mẫu vật thuộc Phụ lục III CITES khi nhập khẩu phải có giấy phép CITES nhập khẩu được cấp bởi Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, không phân biệt quốc gia xuất khẩu/tái xuất khẩu là quốc gia đó có phải là quốc gia đưa loài vào Phụ lục CITES hay không.

Hồ sơ xin cấp giấy phép CITES nhập khẩu gỗ thuộc Phụ lục III CITES vì mục đích thương mại được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 25 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP, gồm: (1) Đơn đề nghị và (2) Bản sao giấy phép CITES xuất khẩu, tái xuất khẩu cấp. Như vậy, quy định thương mại loài thuộc Phụ lục III CITES tại Điều V Công ước và Nghị định số 06/2019/NĐ-CP còn một số điểm chưa thống nhất với nhau, cụ thể là nhập khẩu mẫu vật thuộc Phụ lục III CITES từ quốc gia không phải là quốc gia đưa loài vào Phụ lục III CITES hoặc nhập khẩu mẫu vật thuộc Phụ lục III CITES từ quốc gia tái xuất khẩu. Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam ghi nhận tồn tại này và sẽ báo cáo với cấp có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP cho phù hợp với Điều V Công ước CITES.

Câu hỏi: Chúng tôi là doanh nghiệp nhập khẩu trực tiếp gỗ từ Ghana. Được biết CITES đã thông báo việc sửa đổi bổ sung một số loài vào danh mục CITES. Nhà cung ứng bản địa cho chúng tôi biết là Ghana đang xem xét bảo lưu chưa thực hiện thông báo. Tuy nhiên, đến nay Doanh nghiệp vẫn chưa nhận được thông báo chính thức nào từ các cơ quan chức năng. Làm thế nào để biết một quốc gia sẽ bảo lưu việc thực hiện thông báo của Ban thư ký?

Trả lời: Để biết thông tin về việc bảo lưu quy định của CITES, đề nghị doanh nghiệp truy cập vào trang CITES tại đường dẫn: https://cites.org/eng. Tại trang này, doanh nghiệp truy cập vào thư mục Document (Tài liệu), tiếp tục truy cập vào thư mục Reservations (Bảo lưu) để xem thông tin chi tiết về nội dung bảo lưu quy định của các quốc gia thành viên CITES. Theo thông tin tra cứu, hiện nay Ghana chưa bảo lưu bất kỳ quy định nào của CITES, bao gồm quy định về sửa đổi, bổ sung Phụ lục CITES vừa được thông qua tại Hội nghị các quốc gia thành viên CITES lần thứ 19 (năm 2022).

Câu hỏi: Doanh nghiệp sử dụng ván lạng nhập khẩu thuộc Phụ lục CITES để làm lớp mặt trong sản xuất gỗ dán xuất khẩu. Vì lớp mặt chiếm phần nhỏ trong cấu thành sản phẩm ván lạng. Vậy Doanh nghiệp có phải xin giấy phép CITES xuất khẩu không?

Trả lời: Khoản 1 Điều 22 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 16 Điều 1 Nghị định số 84/2021/NĐ-CP) quy định:

“1. Giấy phép CITES quy định theo Mẫu số 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này áp dụng cho việc xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES; xuất khẩu mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Giấy phép CITES phải được ghi đầy đủ thông tin, dán tem CITES hoặc mã hoá, ký và đóng dấu của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam.”

Như vậy, trường hợp mẫu vật ván lạng thuộc các Phụ lục CITES có nguồn gốc nhập, khi chế biến để tái xuất khẩu sang nước thứ ba vẫn yêu cầu phải có giấy phép CITES tái xuất khẩu, trừ trường hợp CITES có quy định miễn trừ cụ thể cho loài thực vật đó.

Đặt câu hỏi

  • Hướng dẫn đặt câu hỏi

    Chọn lĩnh vực hỏi đáp phù hợp

    Bố cục câu hỏi nên bao gồm 2 phần. Phần 1 mô tả vấn đề và phần 2 khó khăn, vướng mắc cần giải đáp

    Điền địa chỉ email để nhận câu trả lời

    Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam sẽ trả lời câu hỏi của tổ chức/ cá nhân trong 3 ngày làm việc. Câu hỏi và câu trả lời hay sẽ được lựa trọn để chia sẻ lên mục hỏi đáp DDS

    • Chọn lĩnh vực hỏi đáp:

      Họ tên:

      Email:

      Điện thoại:

      Câu hỏi và câu trả lời hay sẽ được lựa trọn để đăng lên phần hỏi đáp DDS

    • Dịch vụ công

    • Contact Me on Zalo
      0983.477.178