Ngành gỗ cần sự hỗ trợ để vượt qua khó khăn
37 Lượt xem
Nhiều năm tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng, có đóng góp quan trọng cho an sinh – xã hội, nhưng ngành gỗ đang trải qua một giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử và rất cần sự chung tay, đồng hành của Chính phủ để vượt qua giai đoạn khắc nghiệt này.
Tăng trưởng ấn tượng về xuất khẩu và giá trị gia tăng trong nước
Tăng trưởng ấn tượng về xuất khẩu nhiều năm liên tục đã khiến ngành công nghiệp gỗ nhanh chóng trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Năm 2019, xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ đã mang về giá trị 11,2 tỷ USD, tăng 19,2 % so với năm 2018, đạt giá trị xuất siêu 8,01 tỷ USD. Nhờ bàn tay, khối óc và sự cần mẫn, sản phẩm gỗ tinh chế của Việt Nam đã được đón nhận bởi người tiêu dùng trên toàn cầu. Việt Nam nhanh chóng trở thành quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn thứ 5 trên thế giới.
Khác với các ngành công nghiệp khác, ngành công nghiệp gỗ sử dụng phần lớn nguyên liệu trong nước. Theo báo cáo của ngân hàng thế giới, giá trị nguyên phụ liệu đầu vào cho chế biến gỗ chiếm 80%, trong đó 40,3% là gỗ nguyên liệu. Giá trị gia tăng tạo ra trong ngành năm 2016 là 20% (Nguồn: OECD).
Đóng góp quan trọng vào xóa đói, giảm nghèo
Không chỉ đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu, ngành còn được ghi nhận là có đóng góp quan trọng vào sự phát triển nông thôn miền núi và có đóng góp tích cực vào xóa đói giảm nghèo. Gỗ nguyên liệu cung cấp cho CN chế biến được thu hoạch từ rừng trồng của những người nông dân, dân tộc thiểu số miền núi. Kể từ khi công nghiệp chế biến phát triển, trồng rừng lấy gỗ không còn là thu nhập phụ mà đã trở thành nguồn kinh tế quan trọng cho hộ gia đình.
Tạo ra công ăn việc làm cho nửa triệu lao động
Với 5424 doanh nghiệp hoạt động rộng khắp trên cả nước, ngành công nghiệp gỗ còn là ngành có đóng góp quan trọng vào an sinh xã hội. Ngành đã góp phần tạo việc làm cho trên nửa triệu lao động với mức thu nhập bình quân đạt gần 2.800 USD.
Tính cộng đồng và tinh thần doanh nhân cao
Ngành công nghiệp gỗ còn được biết đến với mạng lưới hội/ hiệp hội lớn nhất cả nước. Sự ra đời rất sớm của cơ quan trung ương hội là Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) và các hội/ hiệp hội địa phương bao gồm Hội Mĩ nghệ và CB gỗ TP HCM (HAWA), Hiệp hội CB gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), Hiệp hội gỗ và thủ công mĩ nghệ Đồng Nai (DOWA), Hiệp hội Gỗ và LS Bình Định (FPA Bình Định), Hiệp hội Gỗ và LS Thanh Hóa, Chi hội gỗ dán tại Hà Nội, Hội mĩ nghệ gỗ Đồng Kỵ, Hội làng nghề gỗ Liên Hà. Tất cả tạo nên một cộng đồng doanh nhân ngành gỗ rộng lớn. Với mạng lưới đang ngày càng được củng cố vững chắc, tình thần doanh nhân đoàn kết, phát triển sẽ là động lực quan trọng để phát triển ngành trong tương lai.
Nhận thức được tầm quan trọng ngành, Thủ tướng Chính phủ đã hai lần trực tiếp chủ trì sự kiện đối thoại với doanh nhân ngành gỗ và cũng chính ông đã đặt ra định hướng và mục tiêu cho ngành trong tương lai.
Thế nhưng, ngành CN tăng trưởng dựa vào xuất khẩu đang trải qua đợt khó khăn chưa từng có trong lịch sử. Dịch bệnh đã làm giảm nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ trên thế giới và lệnh phong tỏa ở nhiều quốc gia đã đe dọa đến hoạt động sản xuất kinh doanh và gây tổn thương nghiêm trọng đến DN. Do đó, chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ là nguồn lực cần thiết để ngành vượt qua khó khăn này. Với tinh thần doanh nhân và với sự chia sẻ và đồng hành của Chính phủ, ngành sẽ hứa hẹn sự trỗi dậy mạnh mẽ và sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng xuất khẩu của quốc gia.
Cao Thanh – VIFOREST