Bốn nhóm giải pháp lớn khôi phục ngành gỗ
48 Lượt xem
Ngành gỗ là một trong những ngành bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19. Nhiều đơn hàng của các doanh nghiệp, Hiệp hội gỗ bị tạm hoãn hoặc hủy do không thể xuất khẩu, công nhân phải giảm giờ làm, quy mô sản xuất bị thu hẹp… Tuy nhiên, nhiều nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực chế biến gỗ cho thấy ngành này sẽ lấy lại tăng trưởng từ quý 3/2020. Các doanh nghiệp (DN) cần được tiếp cận các chính sách hỗ trợ kịp thời thì mới có thể vượt qua giai đoạn khó khăn, lấy lại đà tăng trưởng. Để tháo gỡ khó khăn cho ngành gỗ trong giai đoạn hiện nay, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Nguyễn Xuân Cường đã nêu ra bốn giải pháp lớn trong đó tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn về chính sách cho doanh nghiệp…
Sáng 15-5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị “Bàn giải pháp khôi phục chế biến và xuất khẩu gỗ và lâm sản sau dịch bệnh Covid-19”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị.
Ngành gỗ lao đao vì dịch bệnh Covid-19
Theo báo cáo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) trong ba tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp ngành gỗ hoạt động hiệu quả và tương đối ổn định do hầu hết các đơn hàng cho quý I, quý II đã được ký kết với các đối tác, nhà phân phối từ những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020. Do vậy, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2019.
Đến tháng 4-2020, do dịch bệnh lan rộng tại nhiều quốc gia, đã ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Nhiều quốc gia đã phải ban hành các quy định về giãn cách xã hội, ngừng toàn bộ các hoạt động kinh doanh, đóng cửa các siêu thị, cửa hàng… Đặc biệt tại các quốc gia thị trường lớn của ngành gỗ Việt Nam như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Australia, Canada… các đối tác và nhà phân phối đều thông báo cắt giảm, hoãn vô thời hạn hoặc hủy các đơn hàng đã ký.
Theo thông tin từ một số doanh nghiệp, ước tính khoảng 80% các đơn hàng đã ký bị thông báo hủy hoặc chậm giao; có hàng nghìn container hàng bị tồn tại các cảng biển ở châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc. Ngoài ra, việc thực hiện các giao dịch thanh toán hợp đồng hàng hóa hầu như không được thực hiện do phía đối tác gặp khó khăn.
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết: Hầu hết các doanh nghiệp phải cơ cấu lại sản xuất, giảm giờ làm việc thông qua giảm ca, bố trí người lao động nghỉ việc luân phiên (khoảng 50% người lao động phải nghỉ việc tại các doanh nghiệp lớn). Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn hơn, lao động phải nghỉ việc toàn bộ do doanh nghiệp ngừng sản xuất. Như vậy, sẽ có khoảng hơn 200 nghìn lao động ngành gỗ bị ảnh hưởng do dịch bệnh phải nghỉ việc luân phiên hoặc bị mất việc làm trong tháng 3 và tháng 4.
Ngoài ra, để duy trì được nguồn lao động để bảo đảm phục hồi sản xuất được ngay sau khi khống chế được dịch bệnh, các doanh nghiệp đã chi đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động bị giãn hoặc mất việc. Qua khảo sát tại 124 doanh nghiệp, tổng số tiền các doanh nghiệp chi đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động là 175 tỷ đồng; tương ứng với 2,15 tỷ/doanh nghiệp, đây là một gánh nặng đối với doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Theo ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, dù tác động của dịch COVID-19 ra rất lớn nhưng nhìn một cách tổng thể, ngành chế biến và xuất khẩu gỗ phần nào vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng. Mức tăng trưởng xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm phù hợp với quy luật của một số năm gần đây; do các đơn hàng luôn được ký kết từ cuối năm 2019 và đầu năm 2020. Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, các nước trong khối EU vẫn đạt tăng trưởng cao do thời điểm này chưa chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh COVID-19; đối với thị trường Trung Quốc, tuy có bị ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng vẫn có tốc độ tăng trưởng cao do một số mặt hàng xuất khẩu chính là dăm mảnh và viên nén có nhu cầu lớn trong sản xuất giấy, phát điện và được vận chuyển từ đường biển ít bị ảnh hưởng nên có mức tăng trưởng rất cao, đạt đến 30% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong 4 tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản vẫn đạt 3,5 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,3 tỷ USD, tăng 5%, lâm sản ngoài gỗ 207,46 triệu USD, tăng 14,3%. Trong đó 5 thị trường xuất khẩu chính đạt 3,161,5 tỷ USD, chiếm 90,3% giá trị xuất khẩu.
“Chúng tôi hy vọng từ quý 3, khi các quốc gia cơ bản khống chế dịch bệnh, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ được ổn định trở lại bình thường. Tổng giá trị xuất khẩu quý 3 sẽ đạt khoảng 3,12 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng khoảng 43% so với quý 2/2020. Quý 4 sẽ là thời điểm tăng trưởng cao nhất, dự kiến giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản sẽ đạt mức 3,82 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2019” – ông Trị nói.
Những giải pháp trọng tâm
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ với những khó khăn của ngành gỗ trong giai đoạn hiện nay. Về những giải pháp để ngành hàng gỗ của Việt Nam và khắc phục những khó khăn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng cần tập trung bốn nhóm giải pháp lớn.
Thứ nhất là tập trung tháo gỡ ngay về chính sách cho 4.600 doanh nghiệp. Các nhóm chính sách đó bao gồm tín dụng, an sinh, tài chính. Tất cả những nhóm chính sách này các ngành phải đồng bộ tháo gỡ để tạo điều kiện ngay lập tức cho các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất một cách nhanh nhất.
Thứ hai, cần tập trung khai thác khe hở các thị trường. Trước tình hình dịch Covid-19 như hiện nay, thị trường nào, quốc gia nào khống chế được dịch thì cần phải tập trung khai thác được ngay thị trường đó. Có như vậy mới tạo ra cục diện chung tổng thị trường phù hợp tình hình diễn biến khống chế dịch.
Thứ ba, tất cả hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cần rà soát lại chiến lược kinh doanh để có nguồn lực tốt nhất, sẵn sàng bùng nổ vào quý 3 và quý 4.
Thứ tư, tiếp tục tái cơ cấu ngành hàng theo hướng hiện đại bền vững bằng cả ba trụ cột: Vùng nguyên liệu phải tổ chức lại chiến lược phát triển bền vững đủ sức cung ứng nguyên liệu, đa dạng hóa ngành và đưa ra những giá trị cho những phân khúc của các đối tượng tham gia khu vực nguyên liệu.
Về khu vực chế biến, hình thành được những tập đoàn lớn, khu công nghiệp lớn mang tầm cỡ khu vực và toàn cầu, đủ năng lực về công nghệ, tầm quản trị, sản phẩm, thương hiệu để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, rà soát lại, củng cố phát triển hình thức thương mại hiện đại, bao gồm các thiết chế cứng như hội chợ, trung tâm, triển lãm, chợ đầu mối… và thiết chế mềm ứng dụng triệt để các giải pháp công nghệ thông tin để thương mại online cùng với xây dựng thương hiệu.
Bộ trưởng lưu ý trong thương mại cần chú ý đến thị trường trong nước với 100 triệu dân. Đây là thị trường khổng lồ, tiềm năng lợi thế và có tương lai tốt.
Bộ trưởng cho biết, năm vừa qua Việt Nam xuất khẩu tới 11,38 tỷ USD gỗ và sản phẩm đồ gỗ. Chúng ta đứng thứ tư thế giới, với những lợi thế sẵn có chúng ta phấn đấu trở thành trung tâm đồ gỗ của thế giới. Để làm được điều này thì cần có nhiều giải pháp, trong đó có việc phải hình thành những cụm, trung tâm lớn gắn liền với phát triển logistic.
Nguồn: TCLN