Câu chuyện về xây dựng và mở rộng thế hệ kế thừa của ngành gỗ Việt Nam

148 Lượt xem

Singapore bắt đầu hình thành Hội doanh nghiệp trẻ ngành gỗ từ năm 1993. Bước chuẩn bị từ rất sớm này đã đặt nền móng cho công tác xây dựng đội ngũ kế thừa của ngành chế biến gỗ của các nước trong khu vực Đông Nam Á sau này. Ở Trung Quốc, Hiệp hội trẻ ngành gỗ của Đông Quản, vốn là thủ phủ ngành gỗ của thế giới bắt đầu hoạt động từ tháng 10/2014. Sau đó 1 năm, tháng 10/2015 Việt Nam cũng bắt đầu gây dựng mô hình này. Các nhóm trẻ Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Indonesia… từ sau sự kiện Doanh nhân trẻ Đông Nam Á tổ chức tại Việt Nam năm 2016 cũng bắt đầu hội tụ lại và hình thành nhóm riêng, tạo nên cục diện khá đa dạng về thế hệ kế cận trong ngành gỗ tại khu vực ASEAN. Đặc điểm chung của các bạn là: giỏi ngoại ngữ, tự tin, năng nổ và đặc biệt là rất khiêm tốn. Trong đó nổi bật là tinh thần khởi nghiệp, chí hướng phát triển thương hiệu riêng và không ngại chia sẻ câu chuyện của mình để lan tỏa hiệu ứng cho cộng đồng.

NHỮNG GƯƠNG MẶT NỔI BẬT         

Trong ba năm qua với vai trò chủ nhiệm CLB Hawa F1, tôi đã có dịp gặp và tiếp cận với những gương mặt khá nổi bật. Đầu tiên là Tanet Pitaktiratham Egg, người Thái Lan. Năm nay, bạn ấy 33 tuổi, là người sáng lập Muller Funiture. Khi kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chững lại, công việc kinh doanh của gia đình không thuận lợi, Egg tham gia Zimage Motion và chỉ trong 3 năm, với vai trò phó chủ tịch, Egg đã thực sự thay đổi doanh nghiệp của mình, từ nhận thức, cách làm việc, cách cộng tác giữa 2 thế hệ…. Không chỉ góp phần cải tổ Zimage Motion, Egg còn sáng lập một thương hiệu mới là Muller, đặt dấu ấn riêng mình vào thị trường. Người bạn thứ 2 tên Harith Ridzuan, F1 tiêu biểu của Malaysia, trong 3 năm Harith Ridzuan liên tục phấn đấu, vừa tiếp quản công tác điều hành công ty của gia đình, vừa tạo thương hiệu riêng: Harith Green Carpenter, DN hướng đến sự bền vững bằng cách sản xuất đồ nội thất từ gỗ tái chế, tìm kiếm các vật liệu thân thiện để thay thế phương thức sản xuất cũ… Định hướng của Harith trong phát triển HGC cực kỳ ấn tượng, không phải là một công ty nội thất chuyên về các sản phẩm xanh mà là một công ty xanh chuyên về đồ nội thất. Với cách làm này, DN của Harith đã được vinh danh ở hạng mục DN có Tác động môi trường tốt nhất, khối SMe, tại europa Sustainability Award (eUMCCI 2018). Nhân vật thứ ba là Sean Hsiung, một doanh nhân trẻ ở Đông Quản, Trung Quốc. Cũng như những F1 của Việt Nam, cha mẹ Sean Hsiung sở hữu xưởng sản xuất đồ gỗ và họ chỉ tập trung gia công. Để kế thừa và phát huy doanh nghiệp gia đình, năm 2011, lúc mới 22 tuổi, cậu đã bắt đầu nghiên cứu để tạo ra thương hiệu tên Juniper. Trong 5 năm, một mặt vẫn tập trung sản xuất OEM thật tốt, một mặt cậu phát triển và thử nghiệm thương hiệu. Đến năm 2016 cậu bắt đầu giới thiệu thương hiệu này tại Mỹ và năm 2017 chính thức đem về chinh phục thị trường TQ. Ở độ tuổi 28 hiện nay, cậu có rất nhiều tham vọng để phát triển thương hiệu này cùng với doanh nghiệp gia đình.
Ba điển hình của F1 ngành gỗ trong khu vực cho thấy, nguồn lực của thế hệ kế cận hoàn toàn có thể tiếp bước và thậm chí là tạo nên những thành công lớn, như thế hệ doanh nhân tiền nhiệm đã làm. Để khơi dậy nguồn lực này, DN chế biến gỗ các nước đã có chiến lược hết sức chi tiết. Ví dụ, Hiệp hội trẻ ở Singapore và Đông Quản được hỗ trợ về tài chính như dùng được quỹ của Hiệp hội để tổ chức các hoạt động của mình.

Trong chiến lược phát triển của các hội lớn, ban điều hành hiệp hội luôn có kèm chiến lược phát triển cho hội trẻ. Nếu so sánh với F1 các nước, thế hệ kế cận ở Việt Nam đã và đang từng bước tiếp cận, tham gia công tác điều hành cũng như tìm được con đường riêng cho mình. Thực tế, ngay ở Trung Quốc cũng như nhiều quốc gia có ngành chế biến gỗ mạnh, họ vẫn phải đối mặt với việc mất đi thế hệ kế thừa. Thường thì thế hệ thứ nhất xây dựng cơ nghiệp và kiên trì theo đuổi nó, nhưng thế hệ thứ 2, có điều kiện đi học nước ngoài, nhìn thấy những ngành hấp dẫn hơn, thời thượng hơn thì không muốn kế nghiệp gia đình. Vì rõ ràng, công việc sản xuất đồ gỗ không hề đơn giản, đầy thử thách và đòi hỏi người trẻ phải rất kiên trì. Chưa kể, F1 còn phải vượt qua áp lực từ phía gia đình. Do đó, để gây dựng đội ngũ F1 cho ngành gỗ, rất cần tác động của nhiều phía. Ở gia đình, phụ huynh nên cho con tiếp xúc từ sớm với công việc, giới thiệu cho người trẻ biết tiềm năng và mức độ phát triển của ngành. Bên cạnh đó là vai trò của các hội nhóm. HAWA đã khá tâm huyết khi tổ chức CLB F1 nhằm quy tụ các bạn trẻ để chuẩn bị thế hệ kế thừa. Các bạn gặp nhau, ban đầu chỉ là chơi với nhau, thấy vui, thích gặp nhau nhiều hơn… Rồi từ thân tình, các thành viên có những chia sẻ về nghề, giải quyết những bài toán khó trong công việc và có động lực đi tiếp. Từ mối liên kết này, một số công ty sẽ tìm ra được điểm chung kết nối về mặt kinh doanh, chia sẻ các cơ hội, tạo nguồn lực lớn hơn khi có những đơn hàng lớn từ nước ngoài. Phải xác định, F1 là thế hệ kiến tạo các giá trị mới. Từ đơn giản như kết hợp cùng nhau, gây dựng tính cộng đồng trong kinh doanh ở ngành chế biến gỗ, điều mà trước đây, các doanh nhân đi trước chưa chú ý. Khi các doanh nhân trẻ chú ý đến việc “kết bè, làm thuyền” trong kinh doanh, sẽ tạo nên được nguồn lực mạnh hơn cho con đường phát triển chung. Đồng thời, khi có được nguồn lực tổng hòa từ cộng đồng kinh doanh cùng ngành, F1 cũng sẽ mạnh dạn hơn trong việc dấn thân, đủ dũng khí để có thể đưa ra những hướng đi mới. Ở phía các cơ quan quản lý, tổ chức, hiệp hội… dù đã đưa ra những mục tiêu lớn, mục tiêu xa cho ngành gỗ nhưng thông điệp này vẫn chưa được truyền thông một cách mạnh mẽ để tạo được sự kích thích cho giới trẻ. Chúng tôi, những người đi sau trong ngành đang rất cần nhìn thấy bức tranh định hướng toàn cảnh để tiếp thêm tự tin trên bước đường của mình, nắm bắt cơ hội, vươn ra biển lớn. Đồng thời, các cơ quan ban ngành cũng cần mà điển hình là Hiệp hội cần liên kết với một số đối tác quan trọng như các hiệp hội thiết kế, các trường đại học, hiệp hội startup… để đem về những kết nối tốt hơn cho F1 nói riêng và cộng đồng chế biến gỗ. Bởi, ngành gỗ không chỉ cần nhân lực chuyên ngành. Chúng ta cần thêm nhiều nguồn lực từ những ngành nghề khác và cần kêu gọi thêm nhiều người trẻ tham gia ngành để F1 không chỉ có con cháu người đã làm nghề mà còn là những nhân tố mới. Riêng với F1, nhiệm vụ phát triển đội ngũ cũng thuộc về chính chúng ta. Trong nhiệm vụ đó, các F1 ưu tú cần tiếp tục nuôi dưỡng đam mê và dấn thân để từ việc kế thừa nền tảng bền vững của ngành, xây dựng tương lai rực rỡ hơn. Có như vậy thì những người đồng trang lứa cũng như thế hệ sau mới thấy sự hấp dẫn và con đường dài và thích theo nghề. Chúng ta sẽ phải là nguồn cảm hứng cho những người trẻ khác. Thời gian tới, F1 ngành gỗ sẽ tập trung tạo ra các hoạt động giao lưu cho nhiều bạn trẻ, không phân biệt là con cháu trong ngành, đồng thời gia nhập vào các hệ sinh thái startup để giao lưu với các đối tượng ngoài ngành như logistic, e-commerce, technology, design, marketing… để có thêm nguồn lực mới. Đây cũng là cách thức để F1 tiếp sức cùng thế hệ doanh nhân đương thời trong chiến lược hình thành trung tâm đồ nội thất thế giới tại Viêt Nam. Một khi chúng ta tập hợp được các bạn trẻ ở các lĩnh vực khác có ý tưởng tốt và tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ nghĩa là ngành gỗ sẽ có được lực lượng hùng hậu để hội tụ và phát triển ngành.

Trong bối cảnh thương mại Mỹ Trung, F1 Việt Nam có 2 hướng để tận dụng cơ hội. Một là tận dụng lượng khách hàng, đơn hàng lớn để tập trung làm OEM thật tốt. Hai là, song song đó, từ kinh nghiệm sản xuất, học hỏi thêm kiến thức và kinh nghiệm thiết kế và bắt đầu chuẩn bị phát triển thương hiệu riêng cho mình. Rất nhiều F1 Trung Quốc đã làm được điều này,… Trung bình xây dựng một thương hiệu mất 5 năm nên F1 Việt Nam có thể chuẩn bị từ bây giờ để chinh phục mục tiêu: tạo ra 1 thương hiệu của mình. Xa hơn nữa là tạo được nhiều thương hiệu đồ gỗ Việt Nam có phong cách riêng và được công nhận trên thế giới, điều mà Tái Lan, TQ, Hàn Quốc, Nhật Bản đã bắt đầu làm được.

Ngành nội thất Trung Quốc mất 30 năm để đi từ gia công thuần đến tạo được thương hiệu. Việt Nam có thể không cần phải tốn khoảng thời gian dài như vậy không? Theo tôi, không cần vì chúng ta đã có những người đi trước thử nghiệm, đã “trả học phí” cho những sai lầm, và có thể chia sẻ kinh nghiệm lại cho thế hệ sau. Với sức mạnh nội tại của DN chế biến gỗ, công với chiến lược phát triển ngành hiệu quả và nguồn lực mới từ thế hệ kế cận, tôi tin rằng, mục tiêu xây dựng và phát triển trung tâm đồ nội thất thế giới tại Viêt Nam hoàn toàn có thể thành hiện thực.

Cao Xuân Thanh – Tổng hợp từ Gỗ Việt

 
 
 

Bài viết liên quan