Chế độ kế toán hộ kinh doanh dễ hiểu, dễ áp dụng

39 Lượt xem

chế độ kế toán hộ kinh doanh
Từ 1/8/2021, hộ kinh doanh sẽ phải thực hiện sổ sách kế toán và kê khai định kỳ với cơ quan thuế về các chi phí liên quan đến hàng hóa dịch vụ . Ảnh: Đức Minh

 Phù hợp với pháp luật hiện hành

Theo đại diện lãnh đạo Cục Quản lý giám sát kế toán và kiểm toán (QLGSKTKT – Bộ Tài chính), từ năm 2000 đến nay, công tác kế toán tại các hộ kinh doanh (HKD) vẫn được thực hiện theo chế độ kế toán HKD được ban hành từ năm 2000 dưới hình thức văn bản là quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính (Quyết định số 169/2000/QĐ-BTC và Quyết định số 131/2002/QĐ-BTC về việc sửa đổi, bổ sung chế độ kế toán hộ kinh doanh).

Qua rà soát, Cục QLGSKTKT cho thấy đến nay, các căn cứ pháp lý ban hành chế độ kế toán HKD tại Quyết định số 169, Quyết định 131 cũng như các văn bản pháp luật thuế hiện nay đã có nhiều thay đổi so với thời điểm năm 2000 nên các nội dung liên quan trong chế độ kế toán HKD cũng cần được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định số 174/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Kế toán thì HKD chỉ vận dụng chế độ kế toán để mở sổ kế toán, phục vụ việc theo dõi, ghi chép và xác định nghĩa vụ thuế đối với ngân sách nhà nước.

Theo quy định tại khoản 5 Điều 51 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có quy mô về doanh thu, lao động đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ thì phải thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế theo phương pháp kê khai.

Dự thảo thông tư được xây dựng chế độ kế toán cho HKD trên nguyên tắc rất đơn giản và không phải quyết toán thuế, lập báo cáo tài chính như doanh nghiệp. HKD không bị tính thuế doanh thu trừ chi phí, không hạch toán các tài khoản như doanh nghiệp mà chỉ có 4 sổ để theo dõi: sổ chi tiết doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ; sổ chi tiết vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa; sổ theo dõi thực hiện nghĩa vụ thuế; sổ theo dõi tình hình thanh toán tiền lương và các khoản nộp theo lương của người lao động.

Thực tế, trình độ quản trị kinh doanh của các HKD không cao nên công tác kế toán rất khác nhau và chưa có sự thống nhất dẫn đến khó khăn cho cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế đối với HKD.

Vì vậy, để làm cơ sở áp dụng thống nhất cho các HKD, phục vụ cho mục đích xác định nghĩa vụ thuế, việc Bộ Tài chính ban hành thông tư hướng dẫn công tác kế toán cho các HKD là cần thiết; đồng thời thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Không yêu cầu chặt chẽ như doanh nghiệp

Đại diện lãnh đạo Cục QLGSKTKT cho biết, theo quy định của pháp luật thuế hiện hành (Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 1/6/2021) cơ sở để xác định nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế giá trị gia tăng (GTGT) của HKD đối với ngân sách nhà nước là trên cơ sở doanh thu bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ nên bản chất tương tự các doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo phương pháp tỷ lệ (%) trên doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Để giúp quá trình thúc đẩy các hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp, theo tinh thần của Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, Bộ Tài chính xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn công tác kế toán HKD tương tự như chế độ kế toán các doanh nghiệp siêu nhỏ thực hiện nộp thuế TNDN tính trên tỷ lệ (%) doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ (trừ một số nội dung khác biệt do theo Luật Kế toán HKD không phải là đơn vị kế toán nên không yêu cầu về công tác kế toán, tiêu chuẩn người làm kế toán, tổ chức bộ máy kế toán… phải chặt chẽ như doanh nghiệp).

Đại diện lãnh đạo Cục QLGSKTKT khẳng định, do chính sách thuế quy định hộ kinh doanh xác định nghĩa vụ thuế TNCN và thuế GTGT theo tỷ lệ doanh thu nên không phải mở các tài khoản kế toán hoặc lập báo cáo tài chính như doanh nghiệp mà chỉ có làm 4 sổ kế toán chi  tiết để theo dõi doanh thu, tiền lương, thu chi và hàng hóa dịch vụ mua vào.

Lãnh đạo Cục QLGSKTKT cho rằng, nguyên tắc hướng dẫn chế độ kế toán với các HKD, nhất là các hộ lớn sẽ rất đơn giản, dễ thực hiện.

Trên thực tế, các hộ vẫn đang thực hiện ghi sổ theo dõi như ngày tháng, nhập hàng gì, số lượng bao nhiêu, thành tiền và bán ra cũng vậy hay kiểm kê lượng tồn kho… Thực chất là bảng kê bán được bao nhiêu hàng hóa.

Tùy theo từng lĩnh vực hoạt động, ngành nghề kinh doanh, mức thuế đối với hộ kinh doanh sẽ áp theo tỷ lệ trên doanh thu.

Đại diện lãnh đạo Cục QLGSKTKT cho biết thêm, đơn vị đã tiếp nhận 76 ý kiến tham gia đối với dự thảo thông tư, trong đó nhiều ý kiến nhất trí với nội dung dự thảo. Các ý kiến còn lại chủ yếu liên quan đến bổ sung thêm mẫu một số chứng từ, sổ kế toán hay bổ sung chữ ký ở các biểu mẫu chứng từ, phương pháp tính thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Cục đã tiếp thu và hoàn thiện dự thảo thông tư để trình lãnh đạo Bộ Tài chính sớm ký ban hành.

Theo quy định tại Thông tư 40/2021/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ 1/8/2021, hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai phải thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn và chứng từ. Và chỉ không phải thực hiện chế độ kế toán nếu hộ kinh doanh kinh doanh trong lĩnh vực, ngành nghề có căn cứ xác định được doanh thu theo xác nhận của cơ quan chức năng. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai không phải quyết toán thuế.

Nguồn: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2021-06-16/che-do-ke-toan-ho-kinh-doanh-de-hieu-de-ap-dung-105803.aspx

Bài viết liên quan