Colombia: Nguồn cung gỗ hợp pháp cho thế giới

131 Lượt xem

Kể từ năm 2009, Chính phủ Colombia, với sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu và các đối tác phi chính phủ khác, đã thực hiện “Hiệp ước liên ngành về gỗ hợp pháp”, một cam kết giữa khu vực tư nhân và nhà nước nhằm thúc đẩy việc trồng, tiếp thị và chế biến gỗ hợp pháp. Ban đầu, Hiệp ước này được hình thành như một biện pháp nhằm ngăn chặn việc khai thác và buôn bán gỗ trái phép. Đầu tiên, Hiệp ước được ký kết trong 2 năm, sau đó đã được gia hạn nhiều lần, và tới thời điểm hiện tại nó đã có 13 năm hoạt động.

Đại sứ Colombia, ông Miguel Rodríguez, thăm một xưởng sản xuất đồ gỗ tại ngoại thành hà nội. Ảnh: Đại sứ quán Colombia tại Việt Nam

Ngoài mục đích nêu trên, Chính phủ Colombia đã coi Hiệp ước là cơ hội để khuyến khích sản xuất gỗ và tăng kim ngạch xuất khẩu, đồng thời giảm nạn phá rừng và góp phần hoàn thành các mục tiêu của đất nước trong Chương trình nghị sự 2030.

Trong một hội thảo, bà Adriana Santa, Giám đốc Cơ quan Rừng, Đa dạng Sinh học và Dịch vụ Hệ sinh thái của Bộ Môi trường Colombia, chỉ ra: “Hiệp ước đã tạo ra những thành tựu quan trọng nhằm đẩy mạnh việc quản lý rừng của đất nước, thúc đẩy sự phát triển của khái niệm về gỗ hợp pháp và các quy định xung quanh hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia”.

Hiện nay, một số thành tựu quan trọng nhất trong quản lý rừng của cả nước là:

  • 329 công ty và đơn vị sản xuất được công nhận nguồn gốc hợp pháp.
  • 60 công ty và đơn vị sản xuất liên kết với “Colombia Compra Lo Nuestro” (“Colombia: Hãy mua gỗ của chúng tôi”).
  • Đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc xây dựng Hệ thống Quốc gia xác định nguồn gốc gỗ và các ứng dụng kỹ thuật số để kiểm soát và giám sát.
  • Điều chỉnh các phương thức quản lý rừng của các cơ quan quản lý môi trường khu vực nhằm hỗ trợ cho công việc của họ.

Về phần thể chế, các công cụ hỗ trợ đã được xây dựng và các quy trình được thông qua để tuân thủ luật pháp và phát triển hiệu quả công tác quản lý rừng từ các cơ quan quản lý môi trường khu vực. Về mặt kinh tế, các hội nghị kinh doanh trong lĩnh vực lâm nghiệp đã được xúc tiến nhằm kích thích sự phát triển và củng cố thị trường giữa người mua và nhà cung cấp các sản phẩm và dịch vụ.

Chính sách quốc gia về kiểm soát nạn chặt phá rừng và quản lý rừng bền vững có các mục tiêu chính là giảm nạn chặt phá rừng xuống 100.000 ha/năm vào năm 2025 và đến năm 2030 đạt mục tiêu không mất rừng ở cấp quốc gia.

Việt Nam là một trong những khách hàng mua gỗ chính của Colombia trên toàn thế giới, và trước yêu cầu kiểm dịch thực vật gắt gao của các thị trường như Châu Âu và Hoa Kỳ, gỗ Colombia hợp pháp đã trở thành một lựa chọn tuyệt vời cho các nhà sản xuất đồ gỗ và các sản phẩm bằng gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Đại sứ quán Colombia tại Việt Nam (https://vietnam.embajada.gov.co/) đã bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ để các công ty Việt Nam tiếp xúc với các nhà sản xuất gỗ hợp pháp của Colombia, trong đó có nhiều công ty được đưa vào cổng thông tin https://elijamaderalegal.com/empresas/(danh sách các nhà cung cấp gỗ hợp pháp tại Colombia).

Tin: VP

 

Bài viết liên quan