Doanh nghiệp gỗ kêu cứu vì nguy cơ trắng tay do gỗ nhập khẩu bị chặn đường thông quan
743 Lượt xem
Tiếp sau Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã lần thứ 19 (CITES-COP19), được tổ chức tại Parama 14-25/11/2022. ngày 23/2/2023 Ban Thư ký CITES đã ra thông báo số 2023/020 về hiệu lực của danh mục CITES sửa đổi, bổ sung (xin xem thông báo của Ban Thư ký CITES tại: https://cites.org/sites/default/files/notifications/E-Notif-2023-020.pdf). Theo thông báo này, các loài thực vật được bổ sung bao gồm các loài thuộc chi gõ, hương và xà cừ phân bố phổ biến ở Châu Phi.
Theo thông lệ, trong thời gian 90 ngày chờ hiệu lực, thương mại các loài này vẫn diễn ra. Công ước CITES quy định rằng mẫu vật tiền công ước là mẫu vật có được (được khai thác) trước ngày các quy định của CITES được áp dụng đối với các loài cụ thể được đưa vào Phụ lục CITES. Như vậy, mẫu vật tiền công ước là mẫu vật đã rời khỏi môi trường sống tự nhiên trước ngày các quy định của CITES được áp dụng (xin xem định nghĩa tại https://cites.org/eng/node/130974). Điều này cũng được khẳng định tại Khoản 17 Điều 3 về giải thích từ ngữ của Nghị định 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ Việt Nam quy định về Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Trên thực tế, có rất nhiều DN nhập khẩu gỗ của Việt Nam đã ký hợp đồng với đối tác nước ngoài và gỗ đã rời cảng nước xuất khẩu để về các cảng đích của Việt Nam trước ngày các quy định của CITES có hiệu lực. Theo quy định tại Điểm đ, Điều 25 của Nghị định 06/2019/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị cấp phép CITES nhập khẩu bao gồm:
1- Đề nghị cấp giấy phép theo Mẫu số 12 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP; và
2- Bản sao hồ sơ chứng minh mẫu vật tiền Công ước hoặc bản sao giấy phép, chứng chỉ của Cơ quan quản lý CITES nước xuất khẩu cấp đối với mẫu vật tiền Công ước; hoặc bản sao giấy phép CITES xuất khẩu, giấy chứng nhận mẫu vật săn bắn do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp đối với mẫu vật săn bắn.
Theo quy định này, hồ sơ xin cấp giấy phép sẽ bao gồm đơn đề nghị cấp giấy phép và bản sao hồ sơ chứng minh mẫu vật tiền Công ước. Trong đó, vận tải đơn, giấy kiểm dịch thực vật là các văn bản pháp lý để chứng minh mẫu vật tiền công ước. Năm 2017, gỗ Giáng hương Tây Phi đã được Cơ quan quản lý CITES Việt Nam cấp giấy phép CITES nhập khẩu đối với lô hàng gỗ rời cảng xuất khẩu trong thời gian chờ áp dụng thông báo của CITES với hồ sơ xin cấp giấy phép chỉ bao gồm đơn xin cấp phép CITES và vận đơn.
Tuân thủ thông báo của Ban Thư ký CITES, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu gỗ đã nộp hồ sơ xin cấp giấy phép CITES nhập khẩu, trong đó có đơn vị đã nộp giấy phép CITES tiền công ước của nước xuất khẩu cấp, nhưng vẫn không được Cơ quan quản lý CITES Việt Nam chấp nhận. Cơ quan công quyền này yêu cầu doanh nghiệp xuất trình giấy phép CITES xuất khẩu của nước xuất khẩu gỗ và chưa có sự giải thích thỏa đáng lý do từ chối hồ sơ của các doanh nghiệp.
Gỗ đã cập cảng Việt Nam không thể thông quan do thiếu giấy phép CITES nhập khẩu do CITES Việt Nam cấp. Trong bối cảnh tiêu dùng trong nước giảm mạnh, giá gỗ giảm mạnh, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Nay gỗ nhập khẩu lại phải oằn mình “cõng” thêm các loại phí lưu côn-te-nơ, lưu bãi và nhiều thứ phí khác.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam khẩn thiết đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Lâm nghiệp và Cơ quan quản lý CITES Việt Nam xem xét và cấp giấy phép CITES nhập khẩu cho các lô gỗ nhập khẩu thuộn đối tượng tiền công ước CITES để tránh cho doanh nghiệp nhập khẩu gỗ không phải chịu thiệt hại rất lớn do thay đổi của CITES.
Cũng cần phải nói thêm rằng mỗi năm nước ta nhập khẩu khoảng 1 triệu m3 gỗ từ 20 quốc gia Châu Phi, chủ yếu qua thương gia trung gian Châu Âu và Trung Quốc. Thực hiện Nghị định 102/2020/NĐ-CP ngày 1 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết về Hệ thống Đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam (VNTLAS), nước ta đã đi tiên phong trong việc thực thi Hiệp định đối tác tự nguyện về Tăng cường Thừa hành pháp luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (VPA/FLEGT). Đặc biệt, việc quản lý nhập khẩu gỗ có rủi ro liên quan đến các quốc gia thuộc vùng địa lý chưa tích cực và các loài rủi ro cao đã được siết chặt. Các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ cũng đã nghiêm túc thực hiện trách nhiệm giải trình (DDS) để đảm bảo gỗ nhập khẩu hợp pháp. Cho đến nay, Hải quan Việt Nam chưa phát hiện gỗ bất hợp pháp nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo định nghĩa phổ biến trên thế giới, gỗ hợp pháp là gỗ được khai thác, vận chuyển và lưu thông theo đúng luật pháp của nước khai thác gỗ. Với sự trợ giúp của một số tổ chức quốc tế, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã tiến hành nhiều cuộc đối thoại với các đối tác từ các nước xuất khẩu gỗ Châu Phi và được bạn khẳng định rằng gỗ mà họ xuất khẩu tuân thủ đầy đủ các quy định luật pháp của nước sở tại.
Thương mại, bao gồm cả thương mại gỗ, là giao dịch hai chiều, thuận mua – vừa bán, không ai có thể “vỗ tay bằng một bàn tay”. Gỗ đã rời các nước nơi được khai thác sau nhiều tháng lênh đênh trên biển, có thể đã nằm ở cảng Hồng Kông nhiều tháng trước khi về Việt Nam, có đủ hồ sơ tiền Công ước CITES, thì cần được thông quan, chứ thể lại bị xua ra biển làm cho doanh nghiệp cũng chết chìm vì cách giải thích quy định quốc tế của cơ quan thuộc Chính phủ Việt Nam.
Tin VP