Hiệp hội kiến nghị nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho DN gỗ ghép thanh

17 Lượt xem

Sáng 5/8, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chủ trì cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ dán và ván ghép thanh. Dự họp có đại diện TCLN và nhiều đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT, đại diện đến từ Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và nhiều phóng viên báo chí. Ông Ngô Sỹ Hoài, đại diện VIFOREST tham dự cuộc họp. Đại diện Chi hội gỗ dán và một số doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ dán và gỗ ghép thanh cũng tham dự cuộc họp này.

Mở đầu cuộc họp, ông Cao Chí Công, Phó TCT TCLN đã báo cáo tóm tắt về tình hình chế biến và xuất khẩu gỗ dán và gỗ ghép thanh, tác động của việc Hàn Quốc áp thuế chống bán phá giá gỗ dán, cũng như tác động của việc TCHQ thay đổi mã HS đối với gỗ ghép thanh làm cho mặt hàng này phải chịu thuế suất 25%.

Ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch Tổng thư ký VIFOREST phát biểu tại hội nghị

Đại diện VIFOREST, ông Ngô Sỹ Hoài nhấn mạnh gỗ dán xuất khẩu sang HQ chủ yếu sản xuất từ gỗ keo rừng trồng, chất lượng thấp, dùng để làm bao bì. Khi chưa bị áp thuế chống bán phá giá, DN Việt xuất khẩu với giá 250 USD/M3. Nay với mức thuế trên dưới 10%, giá giảm xuống còn 230 – 240 USD/M3, DN Việt và nhà nhập khẩu HQ cùng chia sẻ tiền thuế. Hầu hết các DN vẫn duy trì sản xuất và xuất khẩu gỗ dán đi HQ. Nguyên liệu đầu vào là gỗ bóc hiện khá dồi dào. Tình hình không quá bi quan. Tuy nhiên, cũng phải chuẩn bị cho tình huống xấu hơn khi cuối năm nay HQ có thể còn tăng thuế suất gỗ dán nhập khẩu từ VN. DN cần chuyển hướng sản xuất gỗ dán chất lượng cao, tiêu thụ trong nước, thay thế một phần nhập khẩu. Trong tháng 7/2020, VIFOREST đã tổ chức cho nhiều DN phía Bắc giao thương với DN nội thất phía Nam để tăng cường sản xuất và tiêu thụ gỗ dán nội địa. Tình hình khó khăn hơn nhiều đối với gỗ dán xuất khẩu đi Mỹ. Từ 11/6/2020, Bộ TM Mỹ đã chính thức điều tra gỗ dán TQ lẩn tránh thuế chống bán phá giá (184%) và trợ cấp sản xuất (có thể trên 200%) để xuất khẩu từ VN vào Mỹ. Do quan hệ hai nước đang rất tốt đẹp, phía Mỹ đã nhiều lần hoãn điều tra để phía VN giải trình. DOC cũng đã thông báo thu hẹp phạm vi điều tra, chỉ tập trung vào gỗ dán có 100% lõi xuất xứ TQ, sản phẩm khác có xuất xứ nguyên liệu ngoài TQ, thậm chí có phủ mặt gỗ birtch TQ, cũng không thuộc diện điều tra. Ông Hoài nêu 3 giải pháp cụ thể, bao gồm (1) Tăng cường các biện pháp phòng vệ; (2) DN Việt chuẩn bị thông tin đầy đủ và minh bạch để  chứng minh sự trong sạch của mình; và (3) Chuyển hướng sản xuất một phần gỗ dán chất lượng cao, tiêu thụ trong nước. Ông Hoài cũng đề nghị tránh xu hướng cực đoan, mạt sát và bài trừ DN FDI vì không phải FDI nào cũng lẩn tránh thuế. Ông Hoài đề nghị báo chí đưa tin cẩn trọng, chính xác vì phía Mỹ cũng chỉ dùng thuật ngữ “lẩn tránh/né thuế (circumvent), chống bán phá giá và trợ cấp sản xuất của gỗ dán TQ, không dùng từ “gian lận” vì VN không dung túng gian lận. Ông Hoài cũng đề nghị báo chí đưa tin VIFOREST không chỉ nói mà đã hành động rất quyết liệt để góp phần loại bỏ hiện tượng này. Đối với gỗ ghép thanh, ông Hoài đề nghị các bộ ngành có ý kiến để TCHQ ngay lập tức đưa gỗ ghép thanh trở về mã HS 4418 và hưởng thuế xk “0 %”.

Các DN tham gia hội nghị thông tin rằng các DN đã đầu tư hàng triệu đô la để xây dựng nhà xưởng và mua sắm thiết bị, không thể sản xuất. Chính sách thay đổi quá đột ngột, DN không thể theo kịp. Nhiều DN nhận được thông tin từ khách hàng là sẽ chuyển hướng nhập gỗ ghép thanh từ các nước khác, nếu VN áp thuế 25% làm giá gỗ ghép thanh bị đẩy lên quá cao.

Đại điện Cục Xuất nhập khẩu Bộ CT thông báo rằng Bộ CT đã nhận được công văn của VIFOREST kiến nghị giải pháp chống lẩn tránh thuế gỗ dán và thay đổi mã HS gỗ ghép thanh. Tuy nhiên, cho đến nay, Bộ CT vẫn chưa đủ bằng chứng DN gian lận thương mại, các DN gian lận xuất xứ bị phát hiện trước đây đã bị xử lý và họ đã ngưng, hoặc chuyển đổi sang DN khác. Về gỗ ghép thanh, Bộ CT đã làm văn bản gửi Tổng cục Hải quan đề nghị tổ chức cuộc họp các bên liên quan để làm rõ mã HS của sản phẩm này. Quan điểm của Bộ CT là ván ghép thanh xếp vào mã HS 4418 là hoàn toàn phù hợp.

Đại điện Cục giám sát và quản lý hải quan cho rằng TCHQ đang phối hợp với VIFOREST để tìm hiểu thêm thông tin về các vụ khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp và thực trang về gian lận thương mại trong xuất xứ gỗ dán. Tháng 1/2020, TCHQ đã kiểm tra và cảnh báo công tác cấp C/O của VCCI cho các DN xuất khẩu gỗ dán sang Hoa Kỳ. Về vụ việc ván ghép thanh, Cục sẽ báo cáo lãnh đạo Tổng cục Hải quan ngay sau cuộc họp này. Đại điện cục nói TCHQ sẽ sớm giải quyết vấn đề này.

Nguồn: VTV1

Phát biểu kết luận, sau khi lưu ý tầm quan trọng của công nghiệp gỗ ghép thanh cho xuất khẩu và cho sản xuất hàng nội thất, ông Hà Công Tuấn khẳng định Bộ NN-PTNT ủng hộ việc trả gỗ ghép thanh về với mã HS 4418 để không bị áp thuế xuất khẩu. Ông Tuấn thông báo rằng trong lúc xuất khẩu các mặt hàng nông-lâm-thủy sản sụt giảm mạnh, xuất khẩu sản phẩm gỗ vẫn tăng trưởng 5 – 6% trong 7 tháng đầu năm, đạt gần 6,5 tỷ USD và tăng trưởng mạnh trong tháng 7. Đây là cứu cánh gần như duy nhất để bù đắp một phần sụt giảm xuất khẩu sản phẩm ngành nông nghiệp. Ông Tuấn mong Bộ TC và TCHQ sớm giải quyết vấn đề để không phải báo cáo Chính phủ và không để dư luận cho rằng các bộ quay lưng với nhau.

Theo thông tin từ cuộc họp cùng ngày diễn ra tại tỉnh Đồng Nai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng đã chỉ đạo Cục Hải quan Đồng Nai trước mắt cho Công ty mộc Cát Tường xuất khẩu ván gỗ ghép với thuế suất 0%, nhưng doanh nghiệp phải cam kết thực hiện quyết định cuối cùng của cấp có thẩm quyền.

Tin VP

Bài viết liên quan