Hội nghị Giao ban “Đánh giá kết quả năm 2020 và Bàn giải pháp đạt mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2021”.

12 Lượt xem

Sáng ngày 26.3.2021, tại Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập chủ trì Hội nghị Giao ban “Đánh giá kết quả năm 2020 và Bàn giải pháp đạt mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2021”. Tham dự Hội nghị có trên 120 đại biểu là đại diện các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các  sở, ban ngành của  tỉnh  Bình  Định, các Hiệp hội, doanhh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá kết quả chế biến, xuất khẩu lâm sản năm 2020, bàn giải pháp đạt mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2021; thể hiện sự quan tâm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với ngành chế biến, xuất khẩu lâm sản trong bối cảnh bệnh dịch Covid-19, góp phần thúc đẩy phát triển ngành lâm nghiệp Việt Nam.

Năm 2020, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có sự tăng trưởng cao, mặc dù kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu. Giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2020  đạt 13,23 tỷ USD, tăng 16,9 % so với năm 2019. Trong 3 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu lâm sản ước đạt 3,944 tỷ USD tăng 41,5% so với cùng kỳ năm 2020. Thị trường xuất khẩu tiếp tục được duy trì ổn định, đặc biệt là các thị trường chính, truyền thống như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU đều có tăng trưởng cao. Nguồn cung nguyên liệu gỗ ổn định, đặc biệt nguồn cung trong nước đạt gần 30 triệu m3, đã đáp ứng được gần 80% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đánh giá ngành lâm nghiệp đã có sự cố gắng nỗ lực không ngừng nghỉ, đặc biệt là sự vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản trong bối cảnh bệnh dịch Covid-19. Thứ trưởng ghi nhận kết quả của Ngành và biểu dương các thành tích nổi trội trong trồng rừng, bảo vệ rừng, chăm sóc rừng và chế biến xuất khẩu lâm sản đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế quốc gia nói chung và xuất khẩu của ngành nông nghiệp nói riêng.

Tuy vậy, Thứ trưởng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, bất cập của ngành chế biến gỗ, lâm sản như: Tình trạng khai thác rừng non, đường kính nhỏ dẫn đấn chất lượng gỗ nguyên liệu thấp; các doanh nghiệp tập trung lớn tại một số địa phương như: Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Định dẫn đến gặp khó khăn về đất đai trong việc mở rộng xây dựng các khu công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản tập trung; chưa trú trọng phát triển lĩnh vực thiết kế, mẫu, mã, thương hiệu, kênh phân phối sản phẩm; năng suất lao động thấp; các loại vật liệu phụ trợ quan trọng như sơn, keo, chất phủ bề mặt… vv vẫn phải nhập khẩu, chi phí cao,…

Trong bối cảnh bệnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Thứ trưởng đặt ra yêu cầu ngành cần thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống bệnh dịch Covid-19, vừa tiếp tục bứt phá trong năm 2021, đưa kim ngạch xuất khẩu đạt trên 14,5 tỷ USD trong năm 2021.

Những giải pháp ưu tiên, Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Lâm nghiệp, các hiệp hội, doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản triển khai nhanh các hoạt động như: rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách; bảo đảm thực thi pháp luật hiệu quả. Trong đó, tập trung sớm hoàn thiện Thông tư phân loại doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 102/2020/NĐ-CP của Chính phủ về Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp; đẩy mạnh phát triển cơ sơ hạ tầng ngành chế biến gỗ; phát triển trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn, gỗ hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo hướng phát triển hợp tác liên kết theo chuỗi từ khâu trồng rừng tạo nguyên liệu gỗ lớn đến chế biến, thương mại lâm sản, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc gỗ nhập khẩu hợp pháp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp vi phạm; đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiến tiến, thân thiện môi trường sử dụng hệ thống thiếp bị tự động trong chế biến gỗ nhằm nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm và tiết kiệm nguyên liệu trong chế biến; xử lý hiệu quả các vụ điều tra về phòng vệ thương mại để giữ vững thị trường và thúc đẩy xuất khẩu lâm sản đạt mục tiêu đề ra.

Thứ  trưởng cam kết tiếp tục lắng nghe những ý kiến góp ý, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, Hiệp hội ngành hàng để chỉ đạo Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp đạt được mục tiêu, xuất khẩu năm 2021.

Để ghi nhận thành tích xuất khẩu của Ngành chế biến, xuất  khẩu gỗ và lâm sản, Thứ trưởng đã trao bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho 30 tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp vào sự thành công của ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản xuất khẩu./.

Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp

Bài viết liên quan