“Mặc áo cho sản phẩm, sử dụng tinh hoa của tự nhiên” Chuyển đổi nguồn gỗ nguyên liệu tại các làng nghề truyền thống
24 Lượt xem
Việt Nam có trên 300 làng nghề gỗ truyền thống, chủ yếu tập trung tại các địa phương ở phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng. Bằng đôi bàn tay và máy móc đơn giản của các hộ gia đình tại đây, những sản phẩm như bàn, ghế, giường, tủ, bàn thờ, cửa, cầu thang và nhiều sản phẩm khác được sản xuất và bán tới hàng triệu hộ gia đình trên cả nước thông qua hệ thống cửa hàng đại lý. Hầu hết gỗ đầu vào tại các làng nghề này là gỗ nhập khẩu có nguồn gốc từ rừng tự nhiên từ các quốc gia Châu Phi, Lào, Papua New Guinea… với trên 1 triệu m3 mỗi năm. Tuy nhiên, hiện đang có một số quan ngại về tính rủi ro pháp lý của nguồn gỗ tự nhiên nhập khẩu đang được các làng nghề sử dụng. Các quan ngại cũng liên quan tới mối liên kết giữa nguồn gỗ này và nguy cơ mất rừng và suy thoái rừng tại các quốc gia xuất khẩu. Bên cạnh đó, lo ngại về tác động của biến đổi khí hậu đã khiến các chính sách về khai thác và sử dụng nguồn cung gỗ này ngày càng chặt chẽ hơn. Tại Việt Nam, chính sách kiểm soát gỗ rừng tự nhiên nhập khẩu dần được siết chặt. Thế hệ trẻ với nhận thức tốt hơn về môi trường đã bắt đầu từ chối sử dụng sản phẩm gỗ tự nhiên có kiểu dáng cổ, sử dụng nhiều gỗ, được sản xuất bởi các làng nghề. Thay vào đó, thế hệ ngày nay ưa chuộng các sản phẩm từ rừng trồng với kiểu dáng hiện đại, sử dụng ít gỗ hơn, phù hợp với cuộc sống tại các chung cư đô thị. Đây là yếu tố chính làm suy giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm sản xuất bởi các làng nghề. Hoạt động sản xuất tại nhiều làng nghề hiện đang bị co hẹp, thậm chí tới 70-80% như Đồng Kỵ, Phù Khê (Bắc Ninh). Chuyển đổi nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào từ gỗ tự nhiên nhập khẩu sang gỗ rừng trồng và các loại ván là xu hướng tất yếu. Một số làng nghề như Liên Hà, Liên Trung (Đan Phượng, Hà Nội) đã và đang chuyển đổi. Các hộ tại đây hiện đang sản xuất các sản phẩm gỗ có cốt là các loại ván làm từ gỗ rừng trồng trong nước, phủ ngoài bằng lớp gỗ verneer mỏng được làm từ gỗ tự nhiên nhập khẩu. Điều này giúp giảm 99% lượng gỗ tự nhiên trong sản phẩm. “Mặc áo cho sản phẩm, sử dụng tinh hoa của tự nhiên” như diễn tả của phó chủ tịch xã Liên Hà là một trong những cách thức chuyển đổi tại làng nghề Liên Hà. Tuy nhiên Liên Hà chỉ là một trong số rất ít các làng nghề chuyển đổi thành công. Hầu hết các làng nghề còn lại chưa thể thực hiện điều này. Thực hiện chuyển đổi thành công đòi hỏi sự hội tụ của nhiều yếu tố, trong đó bao gồm cơ sở hạ tầng sản xuất, kiến thức về công nghệ và đầu ra thị trường, sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các cơ chế, chính sách ưu tiên chuyển đổi làng nghề, liên kết các hộ làng nghề và các công ty chế biến và thương mại.
Thực trạng các làng nghề gỗ
Các làng nghề đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững của cả ngành gỗ. Ở một số nơi, hoạt động sản xuất kinh doanh đồ gỗ đóng góp từ 60-80% nguồn thu của cho các hộ. Các làng nghề là nguồn sinh kế cho hàng chục nghìn hộ và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động sinh sống tại chỗ cũng như những vùng lân cận.
Nhìn từ nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào, các làng nghề hiện nay có thể được phân thành hai nhóm chính.
Nhóm thứ nhất sử dụng các loại gỗ quý từ rừng tự nhiên như hương, gõ đỏ, cẩm lai, mun, v.v. Chính phủ Việt Nam đã cấm khai thác gỗ từ rừng tự nhiên trong nước khoảng 10 năm nay, nên nguồn cung gỗ nguyên liệu cho các làng nghề này hiện nay chủ yếu là gỗ nhập khẩu từ các nước nhiệt đới như các quốc gia Châu Phi, Papua New Guinea, Lào, Cambodia. Sản phẩm đầu ra của các làng nghề này là đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp với các mẫu mã truyền thống, được chạm trổ tinh xảo. Đối tượng khách hàng cho dòng sản phẩm này chủ yếu là người lớn tuổi, có thu nhập cao, nhà cửa rộng rãi. Điển hình trong nhóm này có thể kể đến Đồng Kỵ (Bắc Ninh), Vạn Điểm (Hà Nội), La Xuyên (Nam Định).
Nguyên liệu gỗ rừng tự nhiên (bên trái) và đồ gỗ mỹ nghệ (bên phải). Ảnh: Forest Trends
Nhóm thứ hai sử dụng các loài gỗ rừng trồng như keo, xoan, cao su, tần bì, sồi, v.v. hoặc ván công nghiệp như gỗ dán, ván ghép thanh. Các hộ tại đây chỉ sử dụng một lượng nhỏ gỗ từ rừng tự nhiên để lạng ván mỏng (veneer) làm lớp phủ bề mặt. Sản phẩm đầu ra của các làng nghề này là đồ gỗ có mẫu mã hiện đại, trơn thẳng phẳng, ít hoa văn. Đối tượng khách hàng cho dòng sản phẩm này chủ yếu là các gia đình trẻ, có mức thu nhập trung bình, sống ở khu đô thị, diện tích ở hạn chế. Các làng nghề tiêu biểu thuộc nhóm này là Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) và Liên Hà (huyện Đan Phượng) tại Hà Nội.
Nguyên liệu gỗ rừng trồng (bên trái) và đồ gỗ hiện đại (bên phải). Ảnh: Forest Trends
Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu 1-2 triệu m3 gỗ rừng tự nhiên nhiệt đới. Đây là những vùng địa lý không tích cực, có rủi ro cao về khai thác và mua bán gỗ bất hợp pháp. Hầu hết lượng gỗ này được đưa về tiêu thụ tại các làng nghề. Việt Nam đang thực hiện một số hiệp định quốc tế theo đó cam kết loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi chuỗi cung, bao gồm cả chuỗi cung các sản phẩm xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Sử dụng gỗ tự nhiên nhập khẩu có nguồn gốc từ các nước nhiệt đới gây rủi ro cho ngành gỗ Việt Nam, bao gồm cả khâu xuất khẩu. Chuyển đổi gỗ nguyên liệu rủi ro đầu vào tại các làng nghề góp phần phát triển bền vững ngành gỗ Việt.
Những chuyển đổi gần đây tại các làng nghề gỗ
Trong những năm gần đây, các hộ tại các làng nghề gỗ đang có nhiều thay đổi.
Thứ nhất, một số làng nghề như Liên Hà và Liên Trung (Hà Nội) đã thực hiện việc chuyển đổi nguyên liệu đầu vào từ gỗ rừng tự nhiên sang các loại ván ghép thanh và ván công nghiệp phủ veneer hơn 10 năm nay. Việc chuyển đổi này vừa giúp giảm giá thành, vừa giúp các sản phẩm đồ gỗ không bị co ngót cong vênh, và quan trọng hơn cả là giúp giảm lượng gỗ tự nhiên sử dụng trong sản phẩm, giảm rủi ro về tính hợp pháp của gỗ. Ở các làng nghề truyền thống như Đồng Kỵ (Bắc Ninh), Vạn Điểm (Hà Nội), quá trình chuyển đổi trên cũng đã bắt đầu diễn ra trong một vài năm gần đây, nhưng với quy mô và tốc độ rất thấp, chỉ có một vài cơ sở đi tiên phong. Đại đa số các cơ sở khác đang bế tắc trong việc chuyển đổi.
Thứ hai, thị trường truyền thống của dòng sản phẩm mỹ nghệ cao cấp ngày càng thu hẹp. Hơn 10 năm trước, khoảng 80% sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ của làng nghề Đồng Kỵ và Phù Khê được xuất khẩu sang Trung Quốc và thu hút sự tham gia của hàng nghìn hộ gia đình. Nhưng hiện nay, luồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đối với sản phẩm mỹ nghệ cao cấp gần như không còn tồn tại do Trung Quốc không còn nhu cầu này. Tại các làng nghề này, chỉ còn vài chục cơ sở hiện còn duy trì sản xuất. Hầu hết các hộ còn lại đã đổi nghề. Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra tại các làng nghề khác. Các hộ hiện đang đối mặt với khó khăn kép. Một mặt việc khai thác và mua bán các loài gỗ từ rừng tự nhiên ngày càng được kiểm soát chặt chẽ trên thế giới. Mặt khác, thị trường đầu ra cho dòng sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp ngày càng thu hẹp. Nếu các làng nghề này không thay đổi, họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị xóa sổ trong tương lai.
Thứ ba, nhiều làng nghề gỗ hiện đang tích cực áp dụng công nghệ nhằm thay thế lao động chân tay. Vận hành máy không đòi hỏi thợ tay nghề cao. Áp dụng công nghệ đã giúp tăng năng suất đáng kể. Năng suất tăng, lượng sản phẩm cung cho thị trường nhiều hơn và nhanh hơn. Điều này khiến giá bán sản phẩm thấp đi, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ giảm. Các hộ làng nghề phải cạnh tranh lớn về giá. Áp dụng công nghệ cũng làm giảm đáng kể lượng lao động tại các làng nghề. Một máy CNC có thể đục được một lúc 6-10 chi tiết và làm không ngừng nghỉ 24 tiếng/ngày, hiệu quả tương đương khoảng 20-30 thợ.
Máy CNC hoạt động cả ngày lẫn đêm và rất dễ thao tác. Ảnh: Forest Trends
Các làng nghề đang ở các giai đoạn khác nhau của quá trình chuyển đổi. Việc tạo liên kết giữa các làng nghề đã chuyển đổi thành công, các làng nghề đang chuyển đổi và các làng nghề chưa bắt đầu có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm thúc đẩy sự chuyển đổi. Ngoài ra, để giúp các làng nghề gỗ phát triển bền vững thì cần tạo ra các liên kết chuỗi cung: Giữa các làng nghề với các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu gỗ và giữa các làng nghề với các DN sản xuất lớn để đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giảm rủi ro về tính pháp lý của nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào.
Chính sách nào cho làng nghề?
Mặc dù các làng nghề có vai trò quan trọng về kinh tế và xã hội, đến nay họ vẫn chưa được quan tâm. Các cơ chế, chính sách của ngành hiện nay tập trung nhiều vào việc phát triển nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng, khuyến khích mở rộng xuất khẩu. Ngành gỗ tổ chức nhiều sự kiện, tuy nhiên chủ yếu tập trung vào thảo luận các cơ chế chính sách cho các DN lớn, đặc biệt đối với thị trường xuất khẩu, nhưng lại có rất ít các sự kiện tập trung cho các làng nghề. Bên cạnh đó, các làng nghề phải đối mặt với nhiều khó khăn về vốn, công nghệ, thông tin thị trường và đặc biệt về không gian sản xuất. Hiện nay, hầu hết các cơ sở sản xuất tại các làng nghề đều đang hoạt động trong khuôn viên nhà mình. Các xưởng nằm xen kẽ trong khu dân cư, dẫn đến khó khăn trong việc xử lý ô nhiễm môi trường phát sinh do các hoạt động sản xuất, đặc biệt là vấn đề khói bụi từ mùn cưa, vỏ bào, mùi hóa chất từ sơn, và tiếng ồn từ máy móc, đặc biệt máy CNC chạy cả ngày lẫn đêm. Điều này cũng dẫn đến rủi ro về an toàn, bao gồm cả rủi ro về cháy nổ. Hiếm có các làng nghề nào có không gian sản xuất tách biệt như các DN chế biến. Ở những nơi có không gian sản xuất riêng nằm trong các cụm công nghiệp, diện tích của cả cụm dành cho hàng trăm hộ sản xuất nhiều khi không bằng diện tích của một DN sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. Điều này cho thấy sự không công bằng trong cơ chế, chính sách đối với các làng nghề.
Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ các làng nghề gỗ phát triển bền vững. Tạo không gian riêng cho các hoạt động sản xuất của hộ, tách biệt với không gian sinh hoạt của hộ là nhu cầu hết sức cấp thiết. Xây dựng các cụm công nghiệp riêng biệt là giải pháp hữu hiệu. Thứ nhất, cụm công nghiệp cách xa khu dân cư sẽ giúp giảm ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm khói bụi cho khu dân cư. Thứ hai, khi có mặt bằng sản xuất riêng biệt và ổn định, các cơ sở sẽ yên tâm tập trung đầu tư phát triển. Thứ ba, các cơ sở sản xuất sẽ đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh với UBND huyện, chứ không hoạt động trôi nổi ngoài phạm vi quản lý của các cơ quan nhà nước. Đây là những yếu tố đầu tiên giúp đảm bảo tính hợp pháp của gỗ đối với các làng nghề, giúp các hộ phát triển bền vững.
Xưởng sản xuất trong khuôn viên nhà (ảnh trái) và cụm công nghiệp riêng biệt (ảnh phải). Ảnh: Forest Trends
Khó khăn trong phát triển các cụm công nghiệp làng nghề
Việc thành lập các cụm công nghiệp cho các làng nghề gặp nhiều khó khăn. Điều này đòi hỏi chính phủ cần có chính sách riêng cho các làng nghề. Tại Hà Nội, nơi tập trung nhiều làng nghề gỗ, theo kế hoạch trong giai đoạn 2018-2020 Hà Nội sẽ xây dựng 43 cụm công nghiệp nhưng đến nay mới chỉ có 5 cụm công nghiệp đã hoàn thành xây dựng hạ tầng. Khó khăn lớn nhất để hình thành cụm công nghiệp quỹ đất và giải phóng mặt bằng. Khác với các cụm công nghiệp được hình thành lâu đời, các cụm công nghiệp mới hình thành đối mặt với thách thức lớn do đơn giá thu hồi đất cao, dao động trong khoảng từ 9-17 triệu đồng/m2, trong khi quy định về giới hạn lô sản xuất lớn. Tại làng nghề Thuỵ Lân, nếu với mức giá đền bù khoảng 9 triệu đồng/m2, để tạo một mặt bằng diện tích 500 m2 và đầu tư cơ sở hạ tầng, tổng chi phí lên tới 6-7 tỉ đồng/lô. Hầu hết các hộ tại đây không thể đáp ứng được yêu cầu về vốn. Đây là một thách thức rất lớn cho các hộ gia đình mong muốn tham gia vào cụm công nghiệp. Điều này có nghĩa rằng cụm công nghiệp có thể hình thành, tuy nhiên các hộ làng nghề lại không thể tiếp cận được với không gian sản xuất tại đây mà cơ hội này lại được trao cho các DN có nguồn lực tốt hơn.
Tại một số nơi như Liên Hà, cụm công nghiệp làng nghề đã được hình thành và các hộ tiếp cận được với không gian sản xuất. Tuy nhiên, họ vẫn phải tiếp tục đối mặt với khó khăn. Tại đây, quy định chỉ cho phép các xưởng được đổ trần 30% diện tích. Như vậy, các cơ sở không thể tận dụng tầng 2 cho sản xuất. Điều này khiến chi phí đầu tư trên 1 m2 nhà xưởng cao hơn do giá đất cao. Nếu thiết kế cụm công nghiệp được điều chỉnh, cho phép các xưởng được đổ trần và sử dụng cho sản xuất, thì sẽ làm gia tăng mặt bằng sản xuất cho các cơ sở, đặc biệt trong bối cảnh thiếu diện tích sản xuất như hiện nay.
Chính sách ưu tiên cho các hộ làng nghề
Kinh nghiệm từ Liên Hà cho thấy tiếp cận với không gian sản xuất riêng biệt thông qua các cụm công nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy các làng nghề chuyển đổi, bao gồm chuyển đổi về nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào. Để các cụm công nghiệp làng nghề có thể hình thành và hoạt động một cách hiệu quả cần có sự chung tay của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, chính quyền địa phương và các tổ chức nghiên cứu, tư vấn trong việc hỗ trợ chia sẻ thông tin, nguồn lực như vốn, công nghệ, thị trường. Chính phủ cần có một chính sách riêng biệt, ưu tiên cho việc phát triển bền vững của các hộ làng nghề. Chính sách nên tập trung vào việc tạo quỹ đất để phát triển cụm công nghiệp làng nghề, ưu tiên cho các hộ làng nghề tiếp xúc với nguồn quỹ đất sản xuất này. Chính sách cũng cần tạo hành lang thuận lợi nhằm thúc đẩy phát triển chuỗi sản phẩm làng nghề, thúc đẩy hình thành liên kết giữa công ty và các hộ, ưu tiên tiêu thụ những sản phẩm được hình thành trong chuỗi.
Phạm Đức Thiềng; Tô Xuân Phúc; Cao Xuân Thanh