Một số lý do chính để phát triển Lâm nghiệp Cộng đồng ở Việt Nam

9 Lượt xem

Với sự ra đời của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, Lâm nghiệp cộng đồng (LNCĐ) đã chính thức trở thành một phần quan trọng trong chính sách lâm nghiệp và quản lý lâm nghiệp ở Việt Nam. Tuy nhiên, cho tới nay mới chỉ không quá 2% trong tổng diện tích rừng được chính thức giao cho cộng đồng quản lý.

Bài viết này sẽ chỉ ra rằng LNCĐ là một giải pháp khả thi cho lâm nghiệp trong tương lai. LNCĐ có ưu thế trong việc giải quyết các vấn đề về quản trị cũng như xã hội liên quan đến các cộng đồng địa phương sống quanh và trong rừng.

Lâm nghiệp cộng đồng đã có truyền thống lâu đời

Mặc dù tới năm 2004, khung pháp luật Việt Nam mới thừa nhận LNCĐ là một hình thức quản lý rừng (Luật BVPTR 2004), các cộng đồng địa phương đã quản lý các diện tích rừng của họ cho mục đích kinh tế và sinh thái hàng nhiều thế kỷ qua. Kết quả nghiên cứu do Cục Lâm nghiệp (nay là Tổng Cục Lâm nghiệp – TCLN) thực hiện vào năm 2008 cho thấy hiện có khoảng 245.030 ha đất rừng do cộng đồng quản lý truyền thống. Ngoài ra, còn có một số bằng chứng khác về sự hiện diện của LNCĐ truyền thống ở một số vùng xa xôi hẻo lánh. Các bằng chứng này cho thấy đã có sự thừa nhận về quyền của các thôn bản trong việc sử dụng các lâm sản thu được từ các khu rừng gần nơi ở của họ (Hộp 1). Người ngoài muốn được sử dụng tài nguyên rừng của các cộng đồng ngày cần phải được sự cho phép của họ. Ở nhiều thôn, người khai phá rừng đầu tiên để trồng cây được coi là có quyền ‘sở hữu’ diện tích đó và người khác không được quyền sử dụng diện tích đất này, kể cả khi đang để hoang.

Hộp 1: ‘Quyền sở hữu rừng’ theo truyền thống tại buôn Chàm B

Giống như nhiều thôn buôn ở vùng Tây Nguyên, người dân Chàm B tỉnh Dak Lak cũng có một khu rừng mà nhiều thế hệ trước đây đã từng sinh sống và canh tác. Việc sử dụng khu rừng này phải theo quy định truyền thống của buôn. Theo truyền thống, khi một người phát rừng để canh tác sẽ trồng một vài cây xoài trên khu đất của mình để đánh dấu phần đất “sở hữu” của mình. Điều này trở thành một biểu tượng về quyền sở hữu đất được tất cả dân làng công nhận.

Tương tự như đất canh tác, người dân trong buôn cũng có truyền thống về “quyền sở hữu” với các loại cây lấy gỗ trong rừng. Các hộ dân tìm gỗ (để xây nhà) xác định quyền sở hữu với cây lấy gỗ bằng cách đánh dấu trên thân cây với ký hiệu rõ ràng và dễ nhận thấy. Cây (trong rừng) được đánh dấu trên thân có nghĩa là cây đã có “chủ” và chỉ có người đánh dấu cho cây mới có quyền chặt cây mang về nhà. Các hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định truyền thống. Già làng sẽ ra quyết định xử phạt và giải quyết các tranh chấp theo luật tục.

(Nguồn: Nguyễn Quang Tân 2005)

 

Việc chính thức công nhận hình thức quản lý rừng truyền thống sẽ tạo ra khung pháp lý cần thiết cho cộng đồng để họ có thể phát triển công tác quản lý rừng một cách hiệu quả dựa trên các mô hình quản lý truyền thống của họ. Việc giao quyền pháp lý với rừng sẽ giúp tăng cường các sáng kiến của người dân trong công tác bảo vệ rừng và nâng cao năng lực của họ trong việc ngăn chặn người ngoài vào lấn chiếm rừng. Đồng thời, nó cũng sẽ góp phần nâng cao năng lực của người dân trong việc đạt được các lợi ích vật chất và phi vật chất từ rừng. Trái lại, việc không công nhận về mặt pháp lý các hình thức quản lý rừng cộng đồng có thể đem lại các tác động bất lợi cho cả người dân và rừng.

Lâm nghiệp cộng đồng góp phần giảm nghèo ở vùng rừng miền núi

LNCĐ có thể góp phần đáng kể vào xóa đói giảm nghèo. Mặc dù Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng trong công tác xóa đói giảm nghèo nhưng các vùng xa xôi héo lảnh nhiều rừng vẫn còn nhiều người dân sống trong cảnh nghèo khó. Trong khi đó, rừng lại cung cấp tài nguyên cho người dân địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu và tạo thu nhập. Ngoài ra, rừng cũng có thể là một nguồn thu nhập quan trọng cho người dân địa phương nếu các kế hoạch về PFES và REDD+ được thực hiện trên toàn quốc.

Phát triển LNCĐ có thể làm gia tăng lợi ích thu được từ rừng cho người dân địa phương, đặc biệt là cho người nghèo (Hộp 2). Người dân thôn bản có thể sử dụng một phần diện tích rừng cho mục đích sản xuất nông nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu và tạo thu nhập. Người dân thôn bản cũng có thể thu được lợi ích từ các nguồn thu được tạo ra từ hoạt động khai thác gỗ của cộng đồng, như đã được đưa ra trong nhiều dự án thí điểm với sự hỗ trợ của GIZ và Kfw. Ngoài ra, họ có thể tạo thu nhập từ các hợp đồng PFES và REDD+ cao hơn nhiều so với mức chi trả từ Chương trình 661.

Sự đóng góp của quản lý rừng cộng đồng đối với người nghèo

Buôn T’Ly ở tỉnh Dak Lak được biết đến ở Việt Nam như là một điển hình về đầu tiền về khai thác gỗ thương phẩm bởi người dân địa phương.

Tháng 8/2006, người dân buôn T’Ly khai thác 368 m3 gỗ tròn từ khu rừng được giao. Lượng gỗ này được bán với giá 616 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản thuế và phí liên quan đến khai thác, số tiền người dân thu được là 283 triệu đồng. Số tiền này được sử dụng để trang trải chi phí bảo vệ rừng và đóng góp vào quỹ phát triển cộng đồng của buôn. Buôn cũng trích ra 20 triệu đồng cho năm hộ nghèo vay vốn phát triển kinh tế hộ (mỗi hộ vay bốn triệu đồng).

(Nguồn: Nguyễn Quang Tân và cộng sự 2008)

Lâm nghiệp cộng đồng góp phần tăng cường dân chủ địa phương

Lâm nghiệp cộng đồng có thể góp phần vào những nỗ lực mà Chính phủ đang thực hiện nhằm tăng cường dân chủ cơ sở. Trong ngành Lâm nghiệp, nỗ lực chung trong việc tăng cường dân chủ cơ sở được phản ánh trong Thông tư 56 (1999) về xây dựng quy ước về bảo vệ và phát triển rừng. Gần đây nhất (2007), Chính phủ đã tăng cường thực thi dân chủ cơ sở qua việc đưa ra Pháp lệnh Dân chủ cơ sở ở cấp xã.

Phát triển lâm nghiệp cộng đồng sẽ góp phần đáng kể vào những nỗ lực hiện tại trong việc  tăng cường dân chủ cơ sở. Rừng không chỉ là nguồn sinh kế quan trọng cho người dân địa phương mà còn là một phần quan trọng trong địa giới của thôn bản ở nhiều địa phương.  Việc trao quyền sử dụng và quản lý rừng cho người dân sẽ tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình ra các quyết định có ảnh hưởng đến đời sống của họ. Theo quy định của Chính phủ về “dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra”, người dân sẽ biết nhiều hơn, có thêm một diễn đàn để thảo luận các vấn đề quan trọng đối với họ, tham gia vào công tác quản lý rừng, và kiểm tra các hoạt động của các cơ quan Nhà nước trong ngành lâm nghiệp.

Tăng cường dân chủ cơ sở thông qua công tác đồng quản lý rừng

Khi tỉnh Dak Lak chuyển giao quyền với rừng cho các nhóm hộ người Ê đê của buôn Chàm B, họ giả thiết rằng các quy định hiện tại của Việt Nam đưa ra các cơ chế quản lý rừng rõ ràng cho thôn bản. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cho thấy các quy định còn quá chung chung và cần được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện địa phương. Ví dụ, người dân phân biệt giữa quyền được canh tác trên đất rừng, được khai thác gỗ, và quyền được thu hoạch lâm sản. Đối với quyền được canh tác trên đất rừng, người dân Chàm B chia sẻ với người dân buôn Chàm A bởi họ từng sinh sống cùng với nhau trong diện tích rừng được giao. Người dân trong buôn được quyền khai thác gỗ trong tất cả khu rừng được giao chứ không chỉ giới hạn trong khu rừng giao cho riêng nhóm họ. Người dân Chàm B cũng chia sẻ quyền được thu hoạch các lâm sản phụ cho dân di cư sống quanh buôn.

Do vậy, người dân buôn Chàm B muốn điều chỉnh quy định cho phù hợp với điều kiện địa phương mình. Và họ đã làm như vậy. Điều này đã góp phần mở rộng và tăng cường dân chủ cơ sở. Tuy nhiên, việc quản lý rừng đã có thể đạt hiệu quả hơn và người dân được trao quyền nhiều hơn nếu các quy định về bảo vệ và phát triển rừng công nhận vai trò của người dân trong công tác quản lý rừng ngay từ ban đầu.

(Nguồn: Sikor và Trần Ngọc Thanh 2007)

Công nhận văn hóa địa phương thông qua lâm nghiệp cộng đồng

Mở rộng hỗ trợ cho lâm nghiệp cộng đồng sẽ phù hợp với những nỗ lực to lớn của Chính phủ Việt Nam trong việc công nhận sự tồn tại của các truyền thống văn hóa đặc trưng của từng vùng, miền. Nghị quyết số 5 do Ủy Ban trung ương Đảng thông qua năm 1998 và Luật Di sản văn hóa năm 2001 hỗ trợ nhiều trong việc thừa nhận truyền thống văn hóa, kêu gọi nỗ lực từ phía địa phương và người dân trong việc khôi phục các truyền thống văn hóa như lễ hội địa phương. Chính phủ cũng hỗ trợ việc đăng ký công nhận là di sản văn hóa phi vật thể theo Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO 2003. Ví dụ, năm 2005, UNESCO đã công nhận không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là “Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại”.

Việc phát triển lâm nghiệp cộng đồng sẽ hỗ trợ những nỗ lực này nhằm công nhận các truyền thống văn hóa đặc trưng. Rừng là yếu tố quan trọng trong văn hóa địa phương ở nhiều vùng, miền, vì cộng đồng thôn bản đã xây dựng hương ước và tập quán quản lý rừng của họ. Rừng không chỉ là nguồn sinh kế quan trọng cho người dân mà việc sử dụng và quản lý rừng gắn chặt với giá trị của người dân, tầm nhìn của người dân về quang cảnh rừng đem lại và một tương lại đầy hứa hẹn. Rừng cũng mang ý nghĩa địa phương, vì người dân gắn giá trị văn hóa cho từng địa danh, từng loài cây, muông thú và thậm chí từng sự kiện xảy ra trong rừng. Ngoài ra, rừng là một đối tượng trong công tác quản trị thôn bản như đã được phản ánh qua vai trò của trưởng buôn ở Tây Nguyên và các vùng miền núi phía Bắc.

Rừng thiêng của người Thái Đen

Nhiều bản của người Thái Đen tiếp tục bảo vệ các khu rừng nhỏ tồn tại lâu đời trên lãnh thổ của họ. Mặc dù người dân có thể thu lượm những cành cây đã chết về làm củi đun nhưng họ vẫn không chặt cây hay phát nương trong các khu rừng thiêng. Ngoài ra, họ ngăn chặn người ngoài không cho sử dụng rừng. Người dân bảo vệ rừng vì họ coi rừng là nơi trú ngự của những vị thần linh có ảnh hưởng đến đời sống của họ. Chặt phá cây hoặc phát nương có thể đụng chạm đến các vị thần linh và do vậy gây ra những hậu quả bất lợi cho đời sống của người dân. Vì vậy, những cánh rừng thiêng là yếu tố quan trọng trong mối quan hệ tâm linh của người dân với thế giới bên ngoài, giống như nghi lễ của đám cưới và đám ma vậy.

(Nguồn: Sikor và Đào Minh Trường 2000)

Lâm nghiệp cộng đồng và các cam kết quốc tế

Việc phát triển lâm nghiệp cộng đồng sẽ giúp Chính phủ hoàn thành các cam kết quốc tế. Ví dụ, Chính Phủ đã ký Tuyên bố của Liên Hiêp quốc về Quyền của người dân bản địa (UNDRIP). Tuyên bố này nhằm đảm bảo các quyền tối thiểu của của người dân địa phương ở Việt Nam. Việt Nam cũng là thành viên của Công ước về Đa dạng sinh học (ĐDSH), trong đó có quy định người dân phải tham gia vào quản lý hệ sinh thái và được chia sẻ lợi ích một cách công bằng. Ngoài ra, thỏa thuận mới về biến đổi khí hậu dự kiến sẽ xây dựng chính sách an toàn xã hội để đảm bảo các quyền của người dân trong việc tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động REDD+, như quyền được cho phép sự đồng thuận dựa trên nguyên tắc tự nguyện, báo trước và cung cấp đầy đủ thông tin (FPIC). Việc phát triển lâm nghiệp cộng đồng sẽ giúp Chính phủ thực hiện các cam kết quốc tế này.

Việc áp dụng Nguyên tắc Tham vấn cộng đồng (FPIC) trong lâm nghiệp

Điều 19 trong Tuyên bố của Liên Hiệp quốc về Quyền của Người bản địa (UNDRIP) đã nêu rằng “cần tham vấn và hợp tác một cách công bằng với Người bản địa thông qua các tổ chức đại diện của họ để đạt được sự đồng thuận dựa trên nguyên tắc tự nguyện, báo trước và cung cấp đầy đủ thông tin trước khi áp dụng và thực hiện các hoạt động có ảnh hưởng đến người bản địa”. Để thực hiện điều này, Chính phủ Việt Nam và Chương trình UN-REDD lần đầu tiên áp dụng nguyên tắc FPIC để tiến hành tham vấn cộng đồng địa phương tại tỉnh Lâm Đồng. Vì họ đã xây dựng dự án thí điểm về REDD+ tại các thôn lựa chọn trong tỉnh, họ tham vấn người dân ở 78 thôn trong nửa năm đầu 2010. Chương trình UN-REDD sẽ không thể thực hiện được dự án thí điểm REDD+ nếu không thực hiện tham vấn cộng đồng dựa trên nguyên tắc FPIC.

(Nguồn: UN-REDD và Bộ NN&PTNT 2010)

 

Tóm lại, có nhiều lý do để phát triển lâm nghiệp cộng đồng như một biện pháp quan trọng trong quản lý rừng ở Việt Nam. Lâm nghiệp cộng đồng có khả năng đóng góp vào các mục tiêu chung của phát triển kinh tế xã hội Việt Nam như: quản lý rừng bền vững, xóa đói giảm nghèo, dân chủ địa phương, công nhận các truyền thống văn hóa và phù hợp với quy định pháp luật quốc tế. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam có thể hỗ trợ việc thực hiện lâm nghiệp cộng đồng vì trong thực tế đã có nhiều cộng đồng đã quản ý rừng.

Bài viết liên quan