Quốc hội thông qua Luật Lâm nghiệp
25 Lượt xem
Sáng 15/11/2017, Quốc hội đã thông qua Luật Lâm nghiệp gồm 12 chương, 108 điều. So với Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 thì Luật Lâm nghiệp bổ sung 4 chương mới: chế biến, thương mại lâm sản; khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế về lâm nghiệp; định giá rừng, đầu tư, tài chính trong lâm nghiệp; quản lý nhà nước về lâm nghiệp và kiểm lâm.
Điểm đối mới quan trọng nhất của Luật Lâm nghiệp là việc coi lâm nghiệp là ngành kinh tế – kỹ thuật liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp, từ quản lý, bảo vệ, phát triển đến sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh theo hướng liên kết theo chuỗi các hoạt động lâm nghiệp nhằm tạo ra rừng, sản xuất và cung ứng lâm sản đáp ứng cho nền kinh tế quốc dân và đời sống xã hội, đảm bảo chế biến và xuất khẩu lâm sản có trách nhiệm.
Chế biến và thương mại lâm sản được coi như một trong những thế mạnh trong chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp. Khẳng định chế biến lâm sản không phải là ngành kinh doanh có điều kiện, Luật tập trung quy định rõ chính sách phát triển lâm sản theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác, liên doanh, liên kết với chủ rừng để tạo vùng nguyên liệu, quản lý rừng bền vững, tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ mới và các giải pháp tăng trưởng xanh, nâng cao giá trị gia tăng, ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ trong chế biến lâm sản. Việc chế biến mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và mẫu vật các loài thực vật rừng hoang dã, động vật rừng hoang dã nguy cấp thuộc các phụ lục của Công ước CITES phải bảo đảm các điều kiện như: mẫu vật có nguồn gốc hợp pháp từ cơ sở trồng cấy nhân tạo hoặc gây nuôi sinh sản, sinh trưởng; có nguồn gốc khai thác hợp pháp từ tự nhiên. Nhà nước xây dựng và vận hành Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam; ban hành tiêu chí, quy trình, thủ tục, thẩm quyền phân loại doanh nghiệp khai thác, vận chuyển, tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Chính sách phát triển thị trường lâm sản theo hướng tổ chức, cá nhân hợp tác, liên kết, thu mua, tiêu thụ lâm sản được cung cấp tín dụng ưu đãi. Nhà nước hỗ trợ hoạt động xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, thông tin thị trường lâm sản trong nước và quốc tế.
Chuyển hướng khai thác lợi ích từ rừng sang sản phẩm phi gỗ, đó là dịch vụ môi trường rừng. Khái niệm “dịch vụ môi trường rừng” được quy định là loại hình sản phẩm phi lâm sản do rừng mang lại cho các nhu cầu phát triển kinh tế và đời sống con người, trong cơ chế thị trường nhất là yêu cầu phát triển bền vững hiện nay các dịch vụ này được lượng hóa giá trị hàng hóa được trao đổi mua bán trên thị trường. Tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho người đã tạo ra dịch vụ, tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng được chuyển vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng và được phân phối cho những người tham gia trực tiếp bảo vệ và phát triển rừng. Đây là điểm mới tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho việc chuyển hướng khai thác lợi ích tiềm năng của rừng, từ sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ sang sản phẩm phi gỗ, tạo nguồn tài chính bền vững để đầu tư trực tiếp vào rừng.
Luật Lâm nghiệp cũng quy định rõ 2 nhóm hình thức sở hữu rừng: rừng sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và rừng sở hữu của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư. Mở rộng hơn quyền hưởng lợi của chủ rừng đối với rừng tự nhiên phục hồi, rừng nghèo. Rừng là nguồn tài nguyên thiên nhiên có khả năng tái sinh nên việc quy định rõ các hình thức sở hữu rừng nhằm thừa nhận thành quả lao động, kết quả đầu tư của người làm nghề rừng; tạo động lực khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào rừng nghèo và hưởng lợi từ rừng; bảo đảm quản lý rừng tốt hơn, hiệu quả hơn.
Về tổ chức quản lý ngành lâm nghiệp, Luật đã đổi mới quy định khung về cơ quan có chức năng tham mưu quản lý nhà nước chuyên ngành về lâm nghiệp và tổ chức kiểm lâm. Trên cơ sở đó Chính phủ quy định chi tiết về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và hoạt động của các cơ quan này. Quy định như vậy là linh hoạt và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hoạt động lâm nghiệp. Đối với kiểm lâm, Luật cũng bổ sung quy định cụ thể hơn về một số cơ chế, chính sách, đồng thời thêm thẩm quyền để bảo đảm hành lang pháp lý cần thiết cho lực lượng kiểm lâm tổ chức hoạt động bảo vệ rừng, đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng hiệu quả hơn.
Quản lý rừng bền vững cả về diện tích rừng, chất lượng rừng, đảm bảo hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng an ninh, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao giá trị dịch vụ môi trường rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu. Chủ rừng phải thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý rừng bền vững, bảo đảm kinh doanh rừng lâu dài, liên tục; tối ưu hóa hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường; chủ rừng là tổ chức phải xây dựng, thực hiện phương án quản lý rừng bền vững; Nhà nước quy định bộ tiêu chí quản lý rừng bền vững và tổ chức thực hiện cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Quản lý chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên. Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên, trừ trường hợp phục vụ quốc phòng, an ninh, các trường hợp cấp thiết khác theo quy định của Chính phủ.
Rừng sản xuất là rừng tự nhiên được khai khác theo phương án quản lý rừng bền vững. Trong trường hợp cần thiết sẽ thực hiện tạm dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên trong một thời gian nhất định để bảo vệ rừng tự nhiên hiện có và có thời gian để rừng sinh trưởng, phục hồi, đảm bảo an ninh môi trường, đáp ứng nhu cầu lâu dài về lâm sản.
Luật cũng quy định về hình thức cho thuê rừng, thay thế cho việc giao rừng có thu tiền sử dụng rừng. Nhà nước cho các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thuê rừng sản xuất; đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ chỉ áp dụng hình thức cho thuê môi trường rừng và thuộc quyền của chủ rừng. Nhà nước bảo đảm nguồn lực cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và các hoạt động phục vụ quản lý nhà nước về lâm nghiệp. Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoạt động lâm nghiệp.
Ngoài ra, Luật Lâm nghiệp cũng có một số điểm mới như: định nghĩa về rừng được xác định theo 3 tiêu chí: diện tích; chiều cao cây; độ tàn che để phù hợp với thực tiễn Việt Nam và đáp ứng yêu cầu chung của quốc tế. Quy định rõ chỉ các cộng đồng dân cư có cùng phong tục, tập quán, văn hoá, tín ngưỡng và có quy ước, hương ước phù hợp với quy định của pháp luật mới được giao rừng và trở thành chủ rừng. Thay thế quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng ở 4 cấp (trung ương, tỉnh, huyện, xã) bằng quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia. Hoạt động khoa học và công nghệ về lâm nghiệp theo hướng Nhà nước có cơ chế, chính sách nghiên cứu khoa học và công nghệ phù hợp chu kỳ sinh trưởng, phát triển của rừng và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong lâm nghiệp; Nhà nước ưu tiên đầu tư cho một số hoạt động, khuyến khích các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tham gia, thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học trong lâm nghiệp./.
Nguồn: TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP