Tác động của các quy định truy xuất nguồn gốc lâm sản đến các cơ sở sản xuất và thương mại gỗ quy mô nhỏ và siêu nhỏ

149 Lượt xem

Theo số liệu từ Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021-2030, năm 2020 cả nước có 5.381 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản, tăng 57,2% so với năm 2016. Trong số này, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, theo định nghĩa về quy mô doanh nghiệp của chính phủ Việt Nam, chiếm tới 96,2%, doanh nghiệp vừa chiếm 2,2% và doanh nghiệp lớn chiếm 1,1%. Những DN nhỏ và siêu nhỏ tập trung nhiều tại gần 340 làng nghề gỗ phân bố rải rác trên khắp cả nước. Mỗi làng nghề này có từ 1.000 đến 2.000 hộ gia đình tham gia vào các hoạt động chế biến gỗ. Nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ nhỏ và siêu được thành lập dựa trên quy mô sản xuất hộ gia đình.

Làng Lỗ Khê thuộc xã Liên Hà huyện Đông Anh TP Hà Nội

Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một số văn bản pháp luật nhằm đảm bảo tính hợp pháp của sản phẩm gỗ. Đây là một phần của các cam kết hoàn thiện thể chế để đáp ứng yêu cầu của quốc tế, trong đó có Hiệp định Đối tác Tự nguyện Thực thi lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản. Hai văn bản pháp luật được ban hành gần đây liên quan đến đảm bảo gỗ hợp pháp khi đi vào chuỗi cung gỗ là Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT quy định về truy xuất nguồn gốc gỗ và Nghị định 102/2019/NĐ-CP quy định về Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam. Theo đó, khi đưa gỗ vào chuỗi cung, các cơ sở chế biến phải lập và lữu trữ hồ sơ nguồn gốc gỗ theo quy định.

Với sự hỗ trợ của Viện Lâm nghiệp châu Âu (EFI), từ tháng 8 năm 2021, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã khảo sát 31 doanh nghiệp và cơ sở chế biến quy mô nhỏ và siêu nhỏ tại 6 làng nghề gỗ phía Bắc, bao gồm Hữu Bằng, Chàng Sơn, Vạn Điểm, Liên Hà (Hà Nội), Phù Lưu (Bắc Ninh) và La Xuyên (Nam Định). Thông qua khảo sát làng nghề gỗ được lựa chọn từ ba địa phương và phỏng vấn đại diện các chủ thể có liên quan, nhóm nghiên cứu đánh giá tác động tác động của các quy định pháp luật hiện hành về quản lý, truy xuất nguồn gốc gỗ và đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam tới các cơ sở chế biến gỗ nhỏ và siêu nhỏ và đề xuất các giải pháp tăng cường năng lực thực thi các quy định gỗ hợp pháp.

Các cơ sở chế biến nhỏ và siêu nhỏ sử dụng nguyên liệu gỗ từ nhiều nguồn cung khác nhau, bao gồm gỗ nhập khẩu từ trên 100 quốc gia và gỗ khai thác từ rừng trồng trong nước. Ngoài gỗ tròn và gỗ xẻ, hiện nay các cơ sở chế biến này còn sử dụng khá phổ biến các loại ván công nghiệp (gỗ dán, gỗ ghép thanh, gỗ MDF, ván dăm, ván sợi…) được sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Theo phân loại của Nghi định 102, gỗ tròn và gỗ xẻ sử dụng nhiều tại các làng nghề được nhập khẩu chủ yếu từ các quốc gia thuộc vùng địa lý không tích cực (các nước Châu Phi, Lào, Campuchia…), phổ biến là lim, gụ, hương, xoan đào, căm xe … Trong những năm gần đây, các loài gỗ cứng khai thác từ rừng ôn đới (tần bì, sồi, dẻ gai…) của nhiều quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực (Mỹ, các nước EU…), cũng được sử dụng khá phổ biến tại các cơ sở sản xuất nhỏ và siêu nhỏ. Gỗ từ nguồn cung trong nước chủ yếu là từ rừng trồng keo của hộ gia đình và nhiều loài gỗ khác nhau từ trồng cây phân tán. Ngoài gỗ tự nhiên (solid wood) từ nguồn cung trong nước, các loại ván công nghiệp chế biến từ nguyên liệu gỗ (wood-based panels), được sản xuất trong nước, cũng là đầu vào quan trọng của làng nghề gỗ.

Nhìn chung, qua khảo sát tại các làng nghề được lựa chọn, có thể thấy rằng các cơ sở chế biến gỗ quy mô nhỏ và siêu nhỏ chưa đáp ứng đầy đủ các quy định về truy xuất nguồn gốc và đảm bảo gỗ hợp pháp theo yêu cầu. Điều này xuất phát từ việc khách mua hàng, phổ biến là khách lẻ, không yêu cầu bên bán cung cấp hồ sơ gỗ cho từng lô gỗ khi mua/bán sản phẩm gỗ. Chỉ khi có yêu cầu từ bên mua sản phẩm gỗ hoặc khi cần để hoàn thiện hồ sơ báo cáo thuế, các bên mới giao nhận hồ sơ giao dịch.

Các doanh nghiệp nhỏ lưu giữ hồ sơ nguồn gốc gỗ tốt hơn so với cơ sở chế biến là hộ gia đình. Trong nhiều trường hợp, mặc dù được lưu giữ, hồ sơ mua/bán sản phẩm gỗ cũng chưa thể hiện đúng và chính xác các giao dịch đã diễn ra trên thực tế. Nguyên nhân của tình trạng này là do thói quen hay thông lệ, đã tồn tại từ lâu, không quan tâm lưu giữ hồ sơ tại các cơ sở chế biến.

Nhằm hỗ trợ việc đảm bảo tuân thủ các quy định hiện nay về quản lý và truy xuất nguồn gốc gỗ và đảm bảo gỗ hợp pháp đối với các cơ sở chế biến, đồng thời giảm thiểu tác động của các quy định này tới các cơ sở chế biến, nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp sau đây:

  • Tiếp tục tăng cường hoạt động tuyên truyền, tập huấn, đặc biệt là tập huấn về thực hành trách nhiệm giải trình (DDS) nhằm thay đổi hành vi/thói quen của cơ sở chế biến và người tiêu dùng hướng tới tuân thủ tốt các quy định pháp luật liên quan.
  • Xây dựng ứng dụng (app) cập nhật hồ sơ nguồn gốc gỗ kết nối trực tuyến với cơ quan quản lý.
  • Xây dựng bộ tài liệu về các quy định pháp luật có liên quan và phổ biến rộng rãi qua nhiều kênh truyền thông chính thống và trên các ứng dụng internet.
  • Thúc đẩy và khuyến khích các cơ sở chế biến là hộ, cá nhân chưa đăng ký kinh doanh chuyển sang hộ, cá nhân kinh doanh, hoặc thành lập doanh nghiệp.
  • Thúc đẩy các hộ chế biến và buôn bán sản phẩm gỗ quy mô nhỏ lẻ liên kết thành lập hợp tác xã của các cơ sở chế biến.
  • Xây dựng quy chế phối hợp đa ngành trong kiểm tra, giám sát và tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở chế biến, tăng chế tài xử lý vi phạm.

Tin: VP

Bài viết liên quan