Tổng kết hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu thực hiện trách nhiệm giải trình (DD) và đối thoại doanh nghiệp

307 Lượt xem

Ngày 20 tháng 12 năm 2021, Hiêp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) đã tổ chức hội thảo tổng kết hoạt động Hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu thực hiện trách nhiệm giải trình (DD) và đối thoại doanh nghiệp. Đây là hoạt động hỗ trợ nằm trong khuôn khổ của Dự án “Hỗ trợ thực thi Hiệp định VPA/FLEGT tại Việt Nam – Hướng tới chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp giữa các nước VPA”- được ủy thác bởi Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức (BMZ) và đồng tài trợ bởi Bộ ngoại giao và Phát triển Vương quốc Anh (FCDO) thực hiện bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển GIZ và Tổng cục Lâm nghiệp.

Điều hành hội thảo là ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VIFOREST. Hội thảo diễn ra với sự tham dự 55 đại biểu đến từ các doanh nghiêp nhập khẩu, các làng nghề gỗ, hiệp hội gỗ địa phương, các tổ chức dân sự xã hội, viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế. Trong đó, đáng chú ý có sự tham gia của ông Tăng Xuân Phương Phó Phòng Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp của Cục Kiểm lâm, kiêm điều phối viên Dự án và bà Anja Barth Cố vấn trưởng Dự án Hỗ trợ quá thinh thực hiện VPA/FLEGT tại Việt Nam. Ông Jan Peter Feil Giám đốc vùng của Tổ chức Preffered by Nature và cán bộ đại diện văn phòng tại Việt Nam.

Hội thảo vinh dự được đón ông Phạm Quang Mạnh Trợ lý cao cấp Đại sứ quan Colombia tại Việt Nam,  ông Trần Đức Cán bộ cao cấp Cơ Quan Thương Mại và Đầu Tư Chính Phủ Australia tại Việt Nam (Austrade), bà Lê Thu Hương Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và ông Nguyễn Hữu Dũng cán bộ dự án Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO).

Bà Anja Barth, Cố vấn trưởng quản lý Dự án Hỗ trợ quá trình thực hiện VPA/FLEGT tại Việt Nam của GIZ phát biểu khai mạc hội thảo tổng kết hoạt động ngày 20/12/2021.

Hội thảo là cơ hội để Hiệp hội và Dự án nhìn lại chặng đường hơn một năm đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hành trách nhiệm giải trình nhập khẩu gỗ cũng như chia sẻ các kinh nghiệm liên quan đến các bên quan tâm. Khởi đầu từ tháng 10 năm 2020, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đã được triển khai với mục tiêu chính là nâng cao nhận thức và năng lực của các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ của  Việt Nam về thực hiện trách nhiệm giải trình (DD) và tuân thủ Hệ thống bảo đảm gỗ hợp phát Việt Nam (VNTLAS) và Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và liên minh châu Âu về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/ FLEGT); tăng cường năng lực của VIFOREST cũng như các hiệp hội gỗ địa phương trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện DD; tạo điều kiện trao đổi và chia sẻ bài học kinh nghiệm thực hành DD tại Việt Nam; giảm thiểu các rủi ro liên quan; và thúc đẩy chuỗi cung ứng gỗ nhiệt đới giữa Việt Nam, Ca-mơ-run và Lào sẽ được cải thiện theo hướng thương mại bền vững và có trách nhiệm.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VIFOREST phát biểu tại hội thảo tổng kết hoạt động

Trải qua hơn một năm thực hiện, VIFOREST đã nhận được sự hỗ trợ từ Dự án và tổ chức Preferred by Nature chuẩn hóa bộ tài liệu tập huấn về DD và tổ chức thành công 5 khóa tập huấn cho DN nhập khẩu gỗ và 1 khóa tập huấn tiểu giáo viên cho 231 học viên đến từ các doanh nghiệp nhập khẩu, làng nghề gỗ, các hiệp hội và xã hội dân sự, các tổ chức quốc tế quan tâm. Ngoài ra, VIFOREST đã hỗ trợ trực tiếp cho 07 doanh nghiệp nhập khẩu về thực hành trách nhiệm giải trình. Về tính hiệu quả của các khóa tập huấn, hầu hết các doanh nghiệp đánh giá cao về nội dung tăng cường năng lực, đặc biệt là trách nhiệm giải trình. Trong bối cảnh thực hiện VPA/FLEGT và VNTLAS, trang bị kiến thức và thực hành trách nhiệm giải trình gỗ nhập khẩu sẽ giúp doanh nghiệp tuân thủ tốt các yêu cầu pháp lý mới, đồng thời xây dựng môi trường kinh doanh bền vững và có trách nhiệm.

Đại biểu tham dự hội thảo

Với sự hỗ trợ của Dự án, VIFOREST đã tổ chức diễn đàn đối thoại giữa Doanh nghiệp Việt Nam và Ca-mơ-run. Tại diễn đàn này, đại diện doanh nghiệp và hiệp hội gỗ hai nước đã cùng trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm thực thi pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp ở mỗi quốc gia. Đề xuất sau hội nghị, VIFOREST sẽ phối hợp với các bên và sẽ tham mưu cho các cơ quan chức năng để thúc đẩy thành lập nhóm công tác Việt Nam – Ca-mơ-run nhằm thông báo kịp thời các quy định về thương mại và pháp lý.

Khóa tập huấn ngày 29/4/2021 về DDS tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương

Để đồng hành cũng doanh nghiệp trong việc thực thi trách nhiệm giải trình một cách thường xuyên, lâu dài, VIFOREST đã thiết lập trang web hỏi đáp về trách nhiệm giải trình và VPA/FLEGT. Với diễn đàn này, doanh nghiệp có thể đặt câu hỏi hoặc giải đáp vướng mắc bất cứ khi nào và VIFOREST cùng các chuyên gia, tham vấn các cơ quan chức năng để có phúc đáp kịp thời cho doanh nghiệp. Ngoài ra, trang web còn cung cấp cho doanh nghiệp các quy định pháp lý gỗ của 10 quốc gia khai thác và cung ứng gỗ cho Việt Nam cũng như kỹ năng để doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm giải trình. Tuy mới thiết lập nhưng diễn đàn đã đạt được kết quả bước đầu, đó là phúc đáp về kiến nghị của doanh nghiệp công nhận giấy phép điện tử giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu. Theo đó, kể từ ngày 1/1/2022, giấy phép điện tử kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu sẽ đủ điều kiện nộp hồ sơ Cấp Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu.

Bà Anja Barth, Cố vấn trưởng quản lý Dự án Hỗ trợ quá trình thực hiện VPA/FLEGT tại Việt Nam của GIZ phát biểu khai mạc khóa tập huấn 2 ngày 26&27/10/2020 tại Hà Nội
Ông Đoàn Văn Tràng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương phát biểu tại lớp tập huấn nâng cao năm lực thực hành trách nhiệm giải trình dành cho doanh nghiệp tại Bình Dương, ngày 29/04/2021

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Tuyên, Giám đốc Công ty TNHH TM DV Tiến Đạt chia sẻ rằng các khóa tập huấn đã mang lại kết quả tích cực cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp đã hiểu hơn về trách nhiệm giải trình và từng bước xây dựng quy trình nhập khẩu giảm thiểu rủi ro và bền vững cho chính doanh nghiệp của mình.

Ông Nguyễn Văn Tuyên, GĐ Công ty TNHH TM & DV Tiến Đạt chia sẻ kinh nghiệm gỗ nhập khẩu tại hội thảo tổng kết
Bà Ngụy Nguyễn Như Phú, Cán bộ Tổ chức GIZ hướng dẫn đại biểu thông tin hỗ trợ nhận dạng rủi ro và giảm thiểu trong quá trình nhập khẩu tại Lớp tập huấn 29/4/2021 tại TP Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương.

Với những kết quả đạt được cũng như những bài học rút ra từ Hoạt động hỗ trợ này, VIFOREST sẽ tiếp tục truyền thông và nhân rộng thực hành thực thi trách nhiệm giải trình và coi đây là trong tâm trong hoạt động tăng cường năng lực cho doanh nghiệp ngành gỗ trong việc tăng cường thương mại gỗ bền vững và có trách nhiệm.

Ông Tăng Xuân Phương, Phó trưởng phòng Điều tra xử lý vi phạm về lâm nghiệp Cục Kiểm lâm phát biểu tại hội thảo
Bà Ngụy Nguyễn Như Phú, Cán bộ GIZ hướng dẫn doanh nghiệp hỏi đáp về DDS và VPA/FLEGT trên trang website của VIFOREST.
TS Hồ Văn Cử giảng viên tại khóa tập huấn DDS 2 ngày (26&27/10/2020) tại TP Hà Nội
Học viên trình bày bài tập nhóm
Đại biểu tham gia nhóm làm bài tập tình huống gỗ nhập khẩu Ghana
Bà Lê Thị Lộc Cán bộ Tổ chức GIZ và TS Lê Thiện Đức thúc đẩy thảo luận nhóm về bài tập tình huống
Hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp về xây dựng hệ thống trách nhiệm giải trình và công cụ thiết kế giảm thiểu rủi ro gỗ nhập khẩu

VP VIFOREST

Bài viết liên quan