Tổng kết quá trình đàm phán Hiệp định đối tác tự nguyện VPA/FLEGT giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu
4 Lượt xem
Ngày 28/9/2017, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức tổng kết và trao tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho 01 tập thể và 14 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc đàm phán Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản giữa Chính phủ Việt Nam và Liên minh Châu Âu.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tháng 11/2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thiết lập cơ cấu tổ chức để tiến hành đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT với EU. Sau hơn 6 năm nỗ lực trên tinh thần kiên định với nguyên tắc vì lợi ích quốc gia, tôn trọng, bình đẳng hai bên cùng có lợi, với 11 phiên đàm phán cấp cao, 19 phiên kỹ thuật và gần 40 cuộc họp trực tuyến Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) đã ký kết thúc đàm phán ngày 11/5/2017 tại Brusseles, Vương quốc Bỉ.
Hiệp định VPA/FLEGT là một hiệp định thương mại mang tính pháp lý giữa Liên Minh Châu Âu và các nước đối tác sản xuất gỗ ngoài EU nhằm mục đích bảo đảm gỗ và các sản phẩm gỗ của các quốc gia, đối tác xuất khẩu vào EU có nguồn gốc hợp pháp. Hiệp định cũng giúp các nước xuất khẩu gỗ ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ bất hợp pháp bằng việc tăng cường các quy định và quản trị ngành lâm nghiệp.
Với mục đích mở rộng thị trường, nâng cao hình ảnh ngành chế biến gỗ xuất khẩu, Việt Nam đã xây dựng và vận hành Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS) để xác minh nguồn gốc gỗ của toàn bộ chuỗi cung ứng từ nguồn gốc đầu vào đến khâu chế biến, xuất khẩu và cấp phép FLEGT cho các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu sang EU. Bên cạnh đó, các lô hàng gỗ xuất khẩu có giấy phép FLEGT của Việt Nam sẽ được tự do thông quan vào EU mà không phải thực hiện trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Việc đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU có thể coi là Hiệp định phức tạp nhất từ trước đến nay trong các Hiệp định VPA mà EU đã đàm phán với các quốc gia đối tác trên toàn cầu. Việc kết thúc đàm phán đã thể hiện rõ nỗ lực, quyết tâm của hai bên nhằm chống khai thác gỗ trái phép, tăng cường quản trị rừng và thúc đẩy thương mại gỗ hợp pháp. Những bài học kinh nghiệm từ quá trình đàm phán Hiệp định VPA góp phần nâng cao năng lực và kỹ năng đàm phán các hiệp định trong tương lai của Việt Nam. Trong thời gian tới, hai bên sẽ tiến hành phê chuẩn và ký kết Hiệp định, dự kiến sẽ diễn ra và hoàn thành vào giữa năm 2018./.
Nguồn: Tổng cục Lâm nghiệp