Triển vọng ngành chế biến gỗ trong tương lai
14 Lượt xem
Sáng ngày 26/1/2018, tại TP. Hồ Chí Minh, Tổng cục Lâm nghiệp đã phối hợp với các Hiệp hội: Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, Hiệp hội gỗ và Lâm sản Bình Định, Hiệp hội Chế biến gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai tổ chức thành công “Lễ mừng xuất khẩu lâm sản Việt Nam năm 2017 về đích trước kế hoạch và triển vọng ngành chế biến gỗ giai đoạn 2018 – 2020”.
Tham dự sự kiện có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp, đại diện các cơ quan của Đảng, Quốc hội và Chính phủ ở Trung ương và TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo các Hiệp hội gỗ cùng 120 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu lâm sản tiêu biểu trên cả nước.
Mặc dù trong năm 2017, ngành chế biến gỗ còn gặp nhiều khó khăn do tình hình thời tiết không thuận lợi và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt về thị trường, song với sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và đặc biệt là sự cố gắng, nỗ lực của các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến gỗ, xuất khẩu lâm sản Việt Nam lần đầu tiên cán mốc 8 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2016, về đích trước 3 năm so với chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006 – 2020. Gỗ và sản phẩm gỗ đã trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 6 của Việt Nam, chiếm 6% thị phần thế giới, đứng đầu trong khối ASEAN và đứng thứ hai Châu Á và thứ 5 thế giới.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực không ngừng nghỉ của cộng đồng doanh nghiệp, tinh thần lao động hăng say của đội ngũ công nhân và người lao động, nhờ đó mà ngành chế biến gỗ đã đạt được những kết quả tích cực trong năm vừa qua. Bộ trưởng nhấn mạnh rằng ngành lâm nghiệp nói chung và ngành chế biến gỗ nói riêng cần tiếp tục phát huy những thành tựu của năm 2017 để thực hiện thắng lợi mục tiêu đạt 4 tỷ USD tiêu thụ nội địa và 10 tỷ USD xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ vào năm 2020 theo như Kế hoạch hành động Phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ giai đoạn 2014-2020đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh việc trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, từ tạo giống, trồng, chăm sóc rừng đến công nghệ chế biến nhằm nâng cao năng suất, giá trị rừng trồng, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu ngày càng tăng cho ngành chế biến gỗ phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Tại buổi lễ, đại diện các Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp chế biến gỗ đã chia sẻ những khó khăn, thách thức mà ngành chế biến gỗ và các doanh nghiệp đang phải đối mặt cũng như cơ hội để ngành chế biến gỗ thực hiện được mục tiêu trưởng của năm 2018 là tăng kim ngạch xuất khẩu lâm sản lên 9 tỷ USD, trong đó kim ngạch gỗ và sản phẩm gỗ chiếm 8,5 – 8,7 tỷ USD. Để thực hiện được mục tiêu này, ngành chế biến gỗ sẽ tập trung đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại theo hướng chuyên môn hoá và tự động hoá; đầu tư con người để xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thời đại công nghiệp mới; xây dựng một hệ thống quản trị doanh nghiệp hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin vào các quy trình hoạt động và quản lý của doanh nghiệp. Đồng thời, các Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp cam kết “nói không với gỗ bất hợp pháp” thông qua việc nâng cao ý thức xây dựng hệ thống trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ trong doanh nghiệp và toàn chuỗi cung ứng, đưa ngành chế biến gỗ trở thành ngành sản xuất bền vững bằng nguyên liệu gỗ hợp pháp.
Kết thúc buổi lễ, thay mặt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng đã cùng với Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn trao tặng bằng khen cho 3 tập thể và 5 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu lâm sản trong năm 2017 và trao kỷ niệm chương cho 10 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu lâm sản tiêu biểu trong năm 2017.
Trong khuôn khổ sự kiện, Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn cũng đã tham dự lễ khánh thành phân xưởng chế biến đồ gỗ xuất khẩu thuộc Công ty Cổ phần xây dựng kiến trúc AA, một thành viên thuộc Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh./.
Nguồn: Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế- Tổng cục Lâm nghiệp