VPA/FLEGT: Bước tiến lịch sử của lâm nghiệp Việt Nam

8 Lượt xem

(Chinhphu.vn) – Sau hơn 6 năm đàm phán, Việt Nam và Liên minh châu Âu đã chính thức ký kết Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) vào ngày 19/10/2018. Đây là Hiệp định thương mại có tính chất ràng buộc pháp lý nhằm cải thiện quản trị rừng và thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU.

toa dam vpa flegt
Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Hiệp định sẽ góp phần tạo điều kiện chủ động cho các doanh nghiệp, giảm mức rủi ro cho các lô hàng xuất khẩu vào thị trường EU. Bên cạnh đó, uy tín của Việt Nam cũng nâng lên tạo thuận lợi cho các mặt hàng gỗ và lâm sản của chúng ta  xuất khẩu vào các thị trường Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc… và những thị trường có những quy định tương tự như của EU về nguồn gốc gỗ.Hiệp định VPA giữa Việt Nam và EU gồm 27 điều và 9 Phụ lục kỹ thuật. VPA/FLEGT sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam trên cả 3 lĩnh vực kinh tế – xã hội – môi trường, nổi bật là mở rộng thị trường xuất khẩu, cải thiện thể chế về quản lý rừng, giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ trái phép, góp phần phát triển bền vững ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho hay: “Hiệp định này đã tạo ra cho Việt Nam vị thế lớn khi tham gia thị trường và chuỗi giá trị gỗ toàn cầu. Bằng việc ký kết này có thể khẳng định nỗ lực của Việt Nam đã được ghi nhận, đồng thời thể hiện rõ thái độ nghiêm túc của chúng ta trong việc thực thi các quy ước quốc tế nói chung. Tham gia Hiệp định này, chúng ta đã có cách làm chuyên nghiệp hơn, công khai, minh bạch và phù hợp với các công ước, tiêu chuẩn của quốc tế. Đây chính là yếu tố cấu thành giá trị ngành gỗ trong tương lai”.

Bên cạnh đó, khi tham gia Hiệp định này, Việt Nam còn có cơ hội áp dụng công nghệ cao vào ngành chế biến, tạo ra các sản phẩm gỗ đẹp hơn, có giá trị cao hơn. Ví dụ gỗ thành phẩm bình thường chỉ có giá 1.400-1.800 USD/m3, nếu áp dụng công nghệ cao giá thành sẽ lên tới 4.000 USD/m3 gỗ thành phẩm. Cùng với đó, Hiệp định VPA/FLEGT đem đến cho chúng ta thị trường vô cùng rộng lớn, không sợ ế hàng, không lo bị ép giá.

Ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp. Ảnh: VGP/Đỗ Hương.
Ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp.
Ảnh: VGP/Đỗ Hương.

Chia sẻ kinh nghiệm cấp chứng chỉ FSC cho rừng trồng tại địa bàn tỉnh Quảng Trị, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng cho biết: “Từ thực tiễn sản xuất của tỉnh Quảng Trị, tôi cho rằng muốn xây dựng chứng chỉ FSC thì chủ rừng phải thực sự nỗ lực, chính quyền địa phương chỉ hỗ trợ một phần, cộng đồng người dân ở địa bàn đó cũng phải đồng hành, cam kết, liên kết lẫn nhau trong các hoạt động quản lý, bảo vệ, vận chuyển, chế biến lâm sản. Thực tế cho thấy hoạt động sản xuất lâm nghiệp, bảo vệ rừng có liên quan đến rất nhiều người dân trong khu vực. Muốn làm được trước hết phải tuyên truyền để cộng đồng dân cư chỗ có rừng thấy được mình sẽ được lợi ích cả về kinh tế, xã hội, môi trường. Hằng năm, lợi nhuận của chủ rừng cũng cần phải chia sẻ với cộng đồng dân cư, để khi có sự cố xảy ra, người dân mới cùng tham gia, cùng bảo vệ. Đi đầu cho việc này, trưởng thôn, trưởng bản phải gương mẫu, ký cam kết tham gia bảo vệ rừng”.Tại tọa đàm “Cơ hội và thách thức cho xuất khẩu gỗ Việt Nam” do Bộ NN&PTNT phối hợp với báo Nông thôn Ngày nay tổ chức ngày 31/10, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA), nhìn nhận yếu tố liên kết sẽ tạo nên sức mạnh cho doanh nghiệp (DN) sản xuất và chế biến gỗ. “Nếu DN xác định được nhu cầu liên kết, đối tác cụ thể thì hiệp hội sẽ kết nối các DN có nhu cầu tương ứng với nhau. Nếu DN có nhu cầu về thông tin, chúng tôi cũng sẵn sàng cập nhật thông tin cho các DN. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện để ngành lâm nghiệp cũng có liên kết “4 nhà” từ khâu trồng rừng đến tiêu thụ chế biến, trong đó đặc biệt quan tâm đến trồng rừng gỗ lớn, bởi lâu nay chúng ta khai thác rừng non nhiều, XK gỗ dăm nhiều nên ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nguyên liệu”, ông Hạnh nhấn mạnh.

Hiện nay, tại Quảng Trị, giá trị thu nhập từ diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC ngày càng tăng, ví dụ gỗ thường được 1 triệu thì gỗ FSC phải được 1,3 triệu. Cùng với đó, tỉnh Quảng Trị đã có 3 công ty lâm nghiệp và 2 hộ trồng rừng được cấp chứng chỉ FSC; đối với các hộ sản xuất nhỏ lẻ, tỉnh đang khuyến cáo tham gia HTX, nhóm hộ, tổ hợp tác để được cấp chứng chỉ FSC nhằm sản xuất rừng bền vững. Quảng Trị đã có hơn 25.000 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC, trong đó Công ty Lâm nghiệp Bến Hải có gần 10.000 ha, Công ty Lâm nghiệp Triệu Hải hơn 5.200 ha, Công ty Lâm nghiệp Đường 9 có hơn 5.000 ha và các hộ gia đình có 5.000 ha…

“Nếu tất cả các khu rừng của chúng ta được cấp chứng chỉ FSC thì công tác thực hiện Luật sẽ đỡ đi rất nhiều. Và nếu cả các khu rừng tự nhiên cũng được cấp chứng chỉ thì sau này chúng ta sẽ có cơ hội tham gia thị trường carbon REDD+”, ông Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.

Tại buổi tọa đàm, ông Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang chia sẻ: “Tính đến nay, Tuyên Quang chúng tôi đã cấp chứng chỉ FSC cho 19.700 ha. Trong năm 2019 chúng tôi sẽ phấn đấu cấp thêm chứng chỉ cho 4.500-5.000 ha. Để làm được điều này, chúng tôi tranh thủ chỉ đạo của Tổng cục Lâm nghiệp, tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư mời các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia. DN ứng trước kinh phí cấp chứng chỉ bao gồm tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật, sau đó sẽ được trả dần bằng các sản phẩm gỗ. Nhờ đó, ngay trong năm 2016 – năm đầu tiên cấp chứng chỉ FSC, chúng tôi đã cấp chứng chỉ cho 5 công ty lâm nghiệp, tương đương với 11.000 ha rừng. Tổng kết ngay năm đầu tiên, chúng tôi rút ra bài học: Khi tham gia chứng chỉ FSC, ý thức của người dân đã thay đổi, kiểm soát thuốc BVTV, gom gọn gàng chứ không vứt bừa bãi xuống mương”.

Theo ông Khoa cho biết, hiện nay, sản phẩm gỗ từ rừng có chứng chỉ FSC có giá trị cao hơn rừng không chứng chỉ từ 12-15%, đây chính là yếu tố quan trọng để gắn kết người dân tham gia trồng và bảo vệ rừng. Ngoài 5 công ty lâm nghiệp đã được cấp chứng chỉ, năm nay Tuyên Quang sẽ mở rộng cấp chứng chỉ FSC cho các nhóm hộ nếu có khung pháp lý cụ thể hơn từ Bộ NN&PTNT thông qua các thông tư, nghị định.

Ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết: “Chúng tôi cũng lập kế hoạch mở rộng thị trường. Chúng ta phải mở rộng thị trường để tránh bị áp thuế bán phá giá, nếu bán cho 1 nước truyền thống có mức tăng trưởng 3 năm liền ở hai con số thì sẽ bị điều tra về việc bán phá giá và áp thuế lên tới 25%, vì vậy phải mở rộng thị trường. Bộ NN&PTNT xác định tập trung ưu tiên xúc tiến thương mại đối với các thị trường tiềm năng như: Australia, Nga, Canada, Ấn Độ, châu Phi và Nam Mỹ. Tiếp đó là triển khai Kế hoạch phát triển thương mại gỗ, chú ý đến gỗ cao su và gỗ vườn nhà (có thể lên 3 triệu m3/năm) gắn với chế biến để phục vụ xuất khẩu trong nhiều năm tới”.

Nguồn: Đỗ Hương

Bài viết liên quan