Xây dựng thương hiệu gỗ Việt nam từ năm 2020: Mở rộng tầm nhìn, định hướng dài hạn
60 Lượt xem
Là ngành kinh tế mới nổi trong cấu trúc của kinh tế Việt Nam, trong vị thế xuất khẩu chế biến gỗ Việt Nam đứng số 1 Đông Nam Á, số 2 châu Á và thứ 5 thế giới, tự tin ở ngôi vị số 2 thế giới trong vòng 5 năm tới. Trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của nông nghiệp, ngành gỗ ngày càng chiếm tỉ trọng cao và trở thành nguồn đóng góp quan trọng, tăng trưởng bền vững ở mức hơn hai con số đều trong suốt 20 năm qua, hơn 18% cho năm 2019, mức tang cao nhất trong tất cả các lĩnh vực kinh tế Việt Nam. Những con số trên khẳng định thực tế: vị thế ngành gỗ phát triển đang rất tốt.
Với những nguồn lực hiện tại, ngành sẽ chạm mức xuất khẩu 20 tỉ USD vào năm 2025 nếu được quy hoạch và thực thi tốt tầm nhìn. Trên thực tế, thời gian qua, sự sâu sát của chính phủ, những cuộc gặp trực tiếp giữa doanh nghiệp trong ngành với thủ tướng và lãnh đạo các cơ quan ban ngành, thực sự đã tiếp lửa và tạo nguồn cảm hứng phát triển cho ngành. Cùng với những chỉ thị, chính sách, chương trình đồng hành… Doanh nghiệp ngành gỗ đã thêm động lực để mở rộng phát triển. Nhưng để phát triển hơn nữa, đặc biệt về khía cạnh thương hiệu và giá trị gia tăng của sản phẩm, ngành gỗ cần có những bước đi sáng tạo và vững vàng. hiện nay, để có thể gia tăng giá trị cho các loại gỗ rừng trồng, Việt Nam sẽ phải nâng cao chất lượng nguyên liệu bằng cách lựa chọn giống tốt, áp dụng các kỹ thuật trồng cũng như tuyên truyền cho lâm dân kéo dài tuổi thọ trồng rừng. Để làm tốt công tác này, nhà nước cũng cần mạnh dạn triển khai những chương trình tín dụng để lâm dân có điều kiện theo đuổi công tác trồng cây lâu năm. Bên cạnh nâng chất lượng, nhà nước cũng cần đồng hành với doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu gỗ tràm bông vàng ra thế giới, nâng cao giá trị thương phẩm, tạo đầu ra tiêu thụ gỗ ổn định. Như câu chuyện của Paul Smith, doanh nhân được xem là “huyền thoại của ngành gỗ Việt Nam” với thương hiệu Theodore Alexander, người đã mở ra rất nhiều những suy nghĩ và ý tưởng cho việc phát triển thương hiệu của ngành gỗ Việt Nam. Năm 2000, Paul quyết định thay nguồn gỗ nguyên liệu của công ty ông từ gỗ giá tỵ (Teak) sang tràm bông vàng, loại gỗ đặc trưng của Việt Nam có phẩm chất không thua kém gì Teak, hay nhiều loại gỗ quý khác, nếu khai thác đủ độ tuổi và chọn giống tốt. Những sản phẩm chế tác từ tràm bông vàng của Theodore Alexander đã mở đường cho nguyên liệu này bước ra thị trường thế giới. Ở bước phát triển tiếp theo, chúng ta phải tiếp tục tạo xu hướng sử dụng cũng như tăng giá trị thương phẩm của tràm bông vàng. Người trồng rừng, lâm trường phải thịnh vượng thì phát triển nguyên liệu mới bền vững. Trong khi đó, ngành công nghiệp nội ngoại thất toàn cầu có giá trị hàng hóa lên đến 450 tỉ USD, lớn hơn rất nhiều lần so với giá trị sản xuất gia công, chỉ 140 tỉ USD.
Trong khuynh hướng sống xanh, bảo vệ môi trường, hạn chế các vật liệu có nguồn gốc khoáng sản như bê tông, kim loại… việc sử dụng sản phẩm gỗ ngày càng được ưa chuộng vì nguyên liệu này có khả năng tái tạo, góp phần giữ màu xanh cho trái đất. Nhờ vậy mà ngành gỗ có thêm cơ hội để phát triển thương hiệu và giá trị của mình. Để tiến đến khai thác tốt khung giá trị này, doanh nghiệp phải hội tụ được các yếu tố cần thiết, đó là thiết kế, thương hiệu, phân phối thương mại. Nhưng trên hết, là việc thay đổi tầm nhìn, định hướng dài hạn. Doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đang làm rất tốt khâu sản xuất nhưng lại không dám vươn mình ra thế giới. Với đặc thù phần lớn doanh nghiệp trong ngành vẫn ở qui mô nhỏ thì việc nghĩ ngắn, giải quyết chuyện cơm, áo thường nhật là khó tránh nhưng nếu chúng ta không có được tầm nhìn định hướng phát triển lâu dài, không có tâm huyết với ngành thì sẽ khó tiến đến câu chuyện bền vững. Sẵn sàng đầu tư cho những giá trị vô hình như thiết kế, thương mại, thương hiệu – là cách để chúng ta tự nâng tầm. Với thiết kế, đây là điểm yếu của doanh nghiệp Việt nhưng hoàn toàn có thể đầu tư để khai thác, từ việc tập trung hơn nữa trong công tác đào tạo đến việc thuê hay mua thiết kế từ các quốc gia có thế mạnh này. Tất cả phải bắt đầu từ việc thay đổi tư duy trước, từ đó sẽ mở ra cách làm.
Cơ hội phát triển kinh doanh khi xây dựng thành công thương hiệu là không thể phủ định. Nhà nước đầu tư xây dựng thương hiệu quốc gia thì doanh nghiệp ý thức đầu tư thương hiệu cho chính mình. Chủ động tổ chức kinh doanh bằng cách tạo ra nhiều giá trị, sự phát triển lớn đơn hàng, đa dạng thị trường… Doanh nghiệp trong ngành sẽ làm chủ cuộc chơi, mạnh dạn tự tin vào khả năng tham gia sân chơi quốc tế với vai trò dẫn dắt thị trường.
Nguyễn Quốc Khanh – Phó Chủ tịch VIFOREST – Chủ tịch Hội mĩ nghệ và chế biến gỗ TP HCM