Xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 6 tháng năm 2018

25 Lượt xem

Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (G&SPG) của Việt Nam trong tháng 6/2018 đạt 750 triệu USD, tăng 3% so với tháng 05 năm 2018 và tăng 18,44% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt trên 513 triệu USD, tăng 2,5% so với tháng trước đó và tăng 8,69% so với tháng 6/2017.

Cộng dồn 2 quý đầu năm, xuất khẩu G&SPG của Việt Nam đạt mức cao kỷ lục, 4,124 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đứng thứ 5 trong số những mặt hàng/nhóm hàng xuất khẩu đứng đầu của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 2,864 tỷ USD, tăng 12,4% so với tháng 6/2017, chiếm 69,45% tổng kim ngạch xuất khẩu G&SPG.

Theo thống kê sơ bộ 15 ngày đầu tháng 7/2018, giá trị xuất khẩu G&SPG là 321 triệu USD. Cộng dồn đến 15/7, tổng kim ngạch xuất khẩu G&SPG đạt 4,439 tỷ USD. Sáu tháng cuối năm cũng là thời điểm tập trung nhiều đơn hàng, nếu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong các tháng còn lại thì mục tiêu 9 tỷ USD xuất khẩu rất có khả năng sẽ đạt được.

Doanh nghiệp FDI: Tháng 6, xuất khẩu G&SPG của các doanh nghiệp FDI đạt trên 332 triệu USD (SPG 299 triệu USD), tăng 9,66% so với cùng kỳ năm 2017. Tích lũy 6 tháng, tổng giá trị xuất khẩu G&SPG của nhóm doanh nghiệp này là 1,784 tỷ USD (SGP 1,611 tỷ USD), tăng 4,82% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 43,25% tổng kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ này của cùng kỳ năm ngoái là 46,54%. Với giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ là 1,611 tỷ USD, nhóm doanh nghiệp FDI đã đóng góp 56,25% vào tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018.

THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU:

Thị trường xuất khẩu G&SPG 6 tháng năm 2018

Trong 2 quý đầu năm 2018, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu G&SPG lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch lên đến 1,696 tỷ USD, tăng 12,28% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 41% tổng kim ngạch xuất khẩu G&SPG.

Điểm nổi bật trong bức tranh xuất khẩu 6 tháng là giá trị xuất khẩu G&SPG sang thị trường Hàn Quốc tăng 52,71% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 11% tổng kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, mặc dù chỉ đứng thứ 10 trong các quốc gia nhập khẩu G&SPG của Việt Nam nhưng xuất khẩu G&SPG sang thị trường Malaysia tăng tới trên 109% so với cùng kỳ năm 2017.

NHẬP KHẨU:

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải Quan, nhập khẩu G&SPG trong tháng 6/2018 đạt 191 triệu USD, tăng 2% so với tháng 6/2017. Thống kê 6 tháng, tổng giá trị nhập khẩu G&SPG đạt 1,069 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, G&SPG là nhóm sản phẩm liên tục có giá trị xuất siêu trong nhiều năm. Số liệu sáu tháng cho thấy Việt Nam đã xuất siêu 3,054 tỷ USD mặt hàng này.

Nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI: Tháng 6/2018, nhập khẩu G&SPG của khối doanh nghiệp này đạt gần 58 triệu USD, tăng 4,8% so với tháng 6/2017. Tổng 6 tháng, nhập khẩu G&SPG của các doanh nghiệp FDI đạt gần 301 triệu USD, xấp xỉ cùng kỳ năm 2017, chiếm 28,13% tổng giá trị nhập khẩu.

THỊ TRƯỜNG NHẬP KHẨU:

Sáu tháng đầu năm 2018, Trung Quốc là thị trường cung ứng G&SPG lớn nhất cho Việt Nam, đạt trên 186 triệu USD, tăng 4,89% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm 17% tổng kim ngạch nhập khẩu G&SPG của cả nước. Bên cạnh đó, nhập khẩu G&SPG từ thị trường Hoa Kỳ, Chile, Brazil cũng tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, lần lượt tăng tới 15,55%; 26,12% và tăng 39,18%. Ngược lại, nhập khẩu G&SPG từ thị trường Campuchia giảm rất mạnh trong 6 tháng qua, chỉ đạt 141 triệu USD, giảm tới 51,33% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, 2 thị trường cung ứng G&SPG khác là Thái Lan và Malaysia cũng giảm nhẹ, lần lượt là 8,94% và 7,82% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bài viết liên quan