XUẤT NHẬP KHẨU GỖ VÀ SẢN PHẨM GỖ CỦA VIỆT NAM 7 THÁNG NĂM 2018

53 Lượt xem

  1. XUẤT KHẨU:

Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (G&SPG) của Việt Nam trong tháng 7/2018 giảm nhẹ, đạt trên 730 triệu USD, giảm 2,6% so với tháng trước đó nhưng tăng tới 30,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, xuất khẩu SPG đạt trên 506 triệu USD tăng 9,56% so với tháng 7 năm 2017.

Thống kê 7 tháng, xuất khẩu G&SPG của Việt Nam đạt mức cao kỷ lục là 4,855 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu SPG đạt 3,378 tỷ USD, tăng 6,9%, chiếm 69,58% tổng kim ngạch xuất khẩu G&SPG (Tỷ lệ này của 7 tháng năm 2017 là 73,78%). Thống kê sơ bộ 15 ngày đầu tháng 8/2018, xuất khẩu G&SPG của Việt Nam đạt gần 348 triệu USD, tăng 8,28% so với cùng kỳ tháng 7/2018.

Xuất khẩu của các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Trong tháng 7/2018, xuất khẩu G&SPG của các doanh nghiệp FDI đạt trên 323 triệu USD, giảm 2,83% so với tháng trước đó. Thống kê 7 tháng, xuất khẩu G&SPG của loại hình DN này đạt 2,107 tỷ USD, tăng 5,83% so với cùng kỳ. Trong đó, tính riêng xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 1,907 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 56,46% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của cả nước

THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU:

Tháng 7/2018, xuất khẩu G&SPG sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm so với tháng trước đó: Hoa Kỳ giảm 0,42%; Trung Quốc giảm tới 20,72%; Anh giảm 3,42%; Australia giảm 5,32%; Canada giảm 8,75%… Cũng trong tháng 7/2018, Nhật Bản và Hàn Quốc là số ít thị trường duy trì mức tăng nhẹ, lần lượt tăng 3,59% và 2,41% so với tháng trước đó.

7 tháng năm 2018, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu G&SPG lớn nhất của Việt Nam, đạt 2,028 tỷ USD, tăng 13,94% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm tới 42% tổng kim ngạch xuất khẩu G&SPG của cả nước, vượt xa thị trường lớn thứ 2 là Nhật Bản – chỉ chiếm 13% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

  1. NHẬP KHẨU KIM NGẠCH NHẬP KHẨU:

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải Quan, nhập khẩu G&SPG về Việt Nam trong tháng 7/2018 tiếp tục tăng nhẹ, đạt gần 194 triệu USD, tăng 1,5% so với tháng trước đó và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Thống kê 7 tháng, kim ngạch nhập khẩu G&SPG về Việt Nam đạt 1,263 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Thống kê 15 ngày đầu tháng 8/2018, nhập khẩu G&SPG đạt trên 95 triệu USD, tăng 12,24% so với 15 ngày đầu tháng 7/2018.

Nhập khẩu của DN FDI: Tháng 7/2018, kim ngạch nhập khẩu G&SPG của các doanh nghiệp FDI đạt trên 56 triệu USD, giảm 1,88% so với tháng trước đó và tăng 2,39% so với cùng kỳ năm 2017. Thống kê 7 tháng, nhập khẩu G&SPG của các doanh nghiệp FDI đạt trên 357 triệu USD, tăng 0,28% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm 28,31% tổng kim ngạch nhập khẩu G&SPG của cả nước.

THỊ TRƯỜNG NHẬP KHẨU:

Tháng 7/2018, trong khi nhập khẩu G&SPG từ thị trường Trung Quốc tăng nhẹ thì giá trị nhập khẩu giảm nhẹ ở hai thị trường là Hoa Kỳ và Thái Lan, lần lượt giảm 3,15% và 5,27%. Tháng 7 chứng kiến sự tăng trưởng rất mạnh về giá trị nhập khẩu ở hai thị trường là Italia và Canada, với mức lần lượt là 71,13% và 68,34% so với tháng 6. Tiếp theo mức tăng giá trị nhập khẩu là thị trường Đức và Pháp, với các mức tăng lần lượt đạt 3,83%; 13%.

Thống kê 7 tháng, Trung Quốc là thị trường cung ứng G&SPG lớn nhất cho Việt Nam, đạt trên 224 triệu USD, tăng 7,53% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm 18% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này. Trong đó, ghi nhận mức tăng cao từ thị trường Nam Phi (43,67%), Brazil (38,94%), Canada (38,71%), Chile (22.24%), Hoa Kỳ (18,64%). 7 tháng cũng chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ nhập khẩu G&SPG từ Campuchia, giảm 52,66% so với cùng kỳ.

Cao Thanh – VIFORES

Bài viết liên quan