Hỏi đáp Giải trình gỗ nhập khẩu

#
Tiêu đề
Lĩnh vực
Ngày trả lời

Câu hỏi: Doanh nghiệp sử dụng ván lạng nhập khẩu thuộc Phụ lục CITES để làm lớp mặt trong sản xuất gỗ dán xuất khẩu. Vì lớp mặt chiếm phần nhỏ trong cấu thành sản phẩm ván lạng. Vậy Doanh nghiệp có phải xin giấy phép CITES xuất khẩu không?

Trả lời: Khoản 1 Điều 22 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 16 Điều 1 Nghị định số 84/2021/NĐ-CP) quy định:

“1. Giấy phép CITES quy định theo Mẫu số 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này áp dụng cho việc xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES; xuất khẩu mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Giấy phép CITES phải được ghi đầy đủ thông tin, dán tem CITES hoặc mã hoá, ký và đóng dấu của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam.”

Như vậy, trường hợp mẫu vật ván lạng thuộc các Phụ lục CITES có nguồn gốc nhập, khi chế biến để tái xuất khẩu sang nước thứ ba vẫn yêu cầu phải có giấy phép CITES tái xuất khẩu, trừ trường hợp CITES có quy định miễn trừ cụ thể cho loài thực vật đó.

Câu hỏi: Doanh nghiệp dự kiến nhập khẩu đồ gỗ nội thất từ Ấn Độ vào kho ngoại quan chờ xuất khẩu sang nước thứ ba. Sản phẩm được sản xuất từ loại gỗ thuộc danh mục CITES. Vậy xin hỏi việc nhập khẩu này có thực hiện được không? Nếu được, có phải xin giấy phép CITES nhập khẩu không? Khi xuất khẩu từ kho ngoại quan ra nước thứ ba có cần phải xin cấp phép CITES xuất khẩu không?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 19, điểm a khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 20 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP quy định điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES phải có giấy phép CITES được cấp bởi Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép CITES xuất khẩu, tái xuất khẩu gỗ được quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP; Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép CITES nhập khẩu gỗ được quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP.

Khoản 1 Điều 56 và khoản 2 Điều 57 Luật Quản lý ngoại thương quy định:

“1. Áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương đối với hàng hóa được đưa từ khu vực hải quan riêng ra nước ngoài như đối với hàng hóa được đưa từ nội địa ra nước ngoài.”

“2. Không áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương, trừ biện pháp cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, biện pháp kiểm dịch đối với hàng hóa được đưa từ nước ngoài vào khu vực hải quan riêng.

          Theo quy định tại khoản 1 Điều VII Công ước CITES thìCác quy định tại Điều III, IV và V của Công ước không được áp dụng đối với quá cảnh hay chuyển tải mẫu vật qua hoặc trong lãnh thổ của một quốc gia thành viên trong thời gian mẫu vật đang nằm dưới sự kiểm soát của Hải quan.”

Khoản 15 Điều 3 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 quy định: “Tái xuất khẩu là xuất khẩu mẫu vật đã nhập khẩu trước đó”. Như vậy, muốn cấp giấy phép tái xuất khẩu phải có hồ sơ nhập khẩu trước đó, trong đó có giấy phép CITES nhập khẩu.

Để có cơ sở cấp giấy phép CITES cho lô hàng, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam phải căn cứ vào giấy phép CITES của nước xuất khẩu, tái xuất khẩu cấp. Trường giấy phép CITES xuất khẩu/ tái xuất khẩu ghi rõ nước nhập khẩu là Việt Nam thì khi lô hàng đưa vào kho ngoại quan phải có giấy phép CITES nhập khẩu và khi tái xuất khẩu phải có giấy phép CITES tái xuất khẩu do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp. Trường hợp giấy phép CITES của nước xuất khẩu/ tái xuất khẩu không ghi nước nhập khẩu là Việt Nam thì Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam không có căn cứ cấp giấy phép CITES nhập khẩu và tái xuất khẩu lô hàng tại kho ngoại quan.

Câu hỏi: Chúng tôi là nhà nhập khẩu gỗ từ châu Phi để phục vụ nhu cầu trong nước. Chúng tôi xác định rằng đây vẫn là thị trường cung ứng gỗ cho công ty trong dài hạn. Tuy nhiên, trong thời gian vài năm gần đây, các quy định về kiểm soát gỗ nhập khẩu thay đổi. Làm thế nào để chúng tôi có thể giảm thiểu rủi ro để kinh doanh một cách lâu dài với gỗ châu Phi?

Trả lời: Trong vài năm trở lại đây, các quốc gia châu Phi thường xuyên bị áp dụng lệnh đình chỉ buôn bán do không thực hiện đầy đủ các quy định của CITES. Để giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh nhập khẩu gỗ từ châu Phi, đề nghị các tổ chức, cá nhân thường xuyên truy cập thông tin trên trang điện tử của CITES, mục Thông báo (Notification) tại đường dẫn: https://cites.org/eng/notif/index.php hoặc mục Đình chỉ buôn bán (Trade suspensions) tại đường dẫn: https://cites.org/eng/resources/ref/suspend.php để kịp thời cập nhật thông tin.

Tổ chức, cá nhân cũng có thể truy cập vào trang điện tử của Cục Kiểm lâm để cập nhật thêm thông tin về CITES cũng như các quy định mới của pháp luật Việt Nam liên quan đến thực thi CITES tại Việt Nam; hoặc liên hệ trực tiếp tới Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam (Văn phòng tại Hà Nội: Phòng 104 nhà A3, số 2 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội, điện thoại: 024 37335676; Văn phòng tại TP. Hồ Chí Minh: Số 135 Pasteur, Phường Nguyễn Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh, điện thoại: 028 38218194) để hạn chế các rủi ro, thiệt hại trong hoạt động kinh doanh.

Ngoài ra, đề nghị Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phối hợp trong tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa doanh nghiệp nhập khẩu, cơ quan nhà nước cơ liên quan (Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam, Cục Kiểm lâm, Tổng cục Hải quan, Cơ quan kiểm dịch thực vật v.v…) để phổ biến các quy định mới về quản lý xuất nhập khẩu gỗ đồng thời tìm hiểu các khó khăn của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ hoặc đề xuất với cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Câu hỏi : Thời gian vừa qua, Ban Thư ký liên tục đưa ra thông báo về việc tạm dừng thương mại với một số quốc gia châu Phi (Ví dụ: Nigeria). Xin cho chúng tôi biết với những lô hàng đang trên đường về VN hoặc ký trước ngày thông báo có hiệu lực thì có phải là đối tượng tạm dừng không cấp phép nhập khẩu theo thông báo của Ban Thư ký hay không?

Trả lời: Quyết định đình chỉ buôn bán đối với một quốc gia thành viên CITES của Ủy ban thường trực CITES hoặc Hội nghị các quốc gia thành viên CITES sẽ Ban Thư ký CITES ban hành Thông báo tới các quốc gia thành viên CITES về lệnh đình chỉ buôn bán, trong đó quy định rõ thời điểm cấm vận (cấm vận được áp dụng ngay lập tức hoặc có loại trừ đối với các giấy phép CITES xuất khẩu đã cấp trước ngày lệnh đình chỉ buôn bán có hiệu lực).

Như vậy, đối với các lô hàng đang trên đường về Việt Nam, nếu quyết định đình chỉ buôn bán có hiệu lực áp dụng ngay lập tức thì sẽ không được phép nhập khẩu vào Việt Nam. Tuy nhiên, nếu Quyết định đình chỉ buôn bán không áp dụng đối với các giấy phép CITES xuất khẩu được cấp trước ngày lệnh đình chỉ có hiệu lực thì các lô hàng đang trên đường về Việt Nam vẫn được xem xét, cho phép nhập khẩu.

Do đó, đề nghị các tổ chức, cá nhân thường xuyên truy cập thông tin trên trang điện tử của CITES, mục Thông báo (Notification) tại đường dẫn: https://cites.org/eng/notif/index.php hoặc mục Đình chỉ buôn bán (Trade suspensions) tại đường dẫn: https://cites.org/eng/resources/ref/suspend.php để kịp thời cập nhật thông tin.

Pháp luật hiện hành của Việt Nam không quy định rõ về trường hợp này. Do đó, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp cũng như tuân thủ nghiêm quy định của CITES, trong dự thảo Nghị định mới đã bổ sung quy định này như sau (khoản 4 Điều 13):

Trường hợp Ban Thư ký CITES ban hành thông báo đề nghị các quốc gia thành viên tạm dừng hoặc đình chỉ buôn bán mẫu vật của một loài bất kỳ từ một hoặc một số quốc gia thành viên CITES, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam có trách nhiệm báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chậm nhất sau 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dịch và đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

          Trường hợp mẫu vật các loài động vật, thực vật thuộc Phụ lục CITES được nhập khẩu vào Việt Nam, mà thời điểm xuất khẩu, tái xuất khẩu trước ngày có hiệu lực của thông báo đình chỉ buôn bán mẫu vật đó từ Ban Thư ký CITES, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam thực hiện việc cấp giấy phép CITES nhập khẩu cho lô hàng đó theo quy định tại Điều 17 Nghị định này.

Hiện dự thảo Nghị định đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ xem xét ban hành.

Câu hỏi: Theo điểm b, khoản 3 Điều 25 Nghị định 06/2019/NĐ-CP quy định việc tham vấn/ xác minh của cơ quan CITES. Xin cho chúng tôi biết trường hợp nào cần xác minh và dựa vào tiêu chí nào để quyết định bộ hồ sơ phải xác minh? Xin cho chúng tôi biết quy trình xác minh mà CITES đang áp dụng?

Trả lời: Điểm b khoản 3 Điều 25 Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 18 Điều 1 Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ quy định: “Trong thời hạn 08 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam có trách nhiệm cấp giấy phép. Trường hợp cần tham vấn Cơ quan khoa học CITES Việt Nam hoặc cơ quan có liên quan của nước xuất khẩu thì Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam tổ chức thực hiện, nhưng thời hạn cấp không quá 22 ngày làm việc.

      Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam thông báo cho tổ chức, cá nhân biết.

Hiện nay, tất cả các hồ sơ nhập khẩu mẫu vật thuộc các Phụ lục CITES đều được Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam xác minh. Việc xác minh được thực hiện bằng 02 hình thức như sau:

– Trường hợp quốc gia xuất khẩu, tái xuất khẩu có hệ thống điện tử và cho phép xác minh qua hệ thống điện tử: thực hiện tra cứu được trên hệ thống điện tử của các quốc gia xuất khẩu, tái xuất khẩu (như: Pháp, Singapore, Indonesia, Thái Lan – đối với thực vật, Trung Quốc);

– Trường hợp quốc gia xuất khẩu, tái xuất khẩu chưa cho phép xác minh qua hệ thống điện tử: xác minh tính hợp pháp, tính hợp lệ và một số thông tin khác nếu cần của giấy phép CITES bằng cách gửi email cho Cơ quan Quản lý CITES nước xuất khẩu, tái xuất khẩu qua các đầu mối đã được đăng tải thông tin trên website của Ban Thư ký CITES.

Về quy trình xác minh: Căn cứ Quyết định số 5245/QĐ-BNN-TCLN ngày 31/12/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt quy trình nội bộ mới; quy trình nội bộ sửa đổi, bổ sung giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực Lâm nghiệp thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, theo đó:

+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam sẽ thực hiện tham vấn với Cơ quan quản lý CITES nước xuất khẩu, tái xuất khẩu qua hòm thư điện tử (email) chính thức được đăng ký trên trang điện tử của CITES.

+ Nội dung tham vấn: tính xác thực của giấy phép CITES xuất khẩu, tái xuất khẩu và các nội dung khác có liên quan tùy thuộc vào từng bộ hồ sơ (ví dụ thông tin về hạn ngạch xuất khẩu v.v…).

+ Sau khi nhận được thư phản hồi của Cơ quan quản lý CITES nước xuất khẩu, tái xuất khẩu, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam sẽ thực hiện cấp giấy phép CITES nhập khẩu cho tổ chức, cá nhân hoặc có văn bản thông báo lý do từ chối cấp giấy phép CITES nhập khẩu.

+ Sau 22 ngày làm việc, nếu không nhận được thư xác nhận, cung cấp thông tin của Cơ quan quản lý CITES nước xuất khẩu, tái xuất khẩu, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam sẽ thông báo cho doanh nghiệp và trả lại bộ hồ sơ đề nghị cấp phép.

Để minh bạch và đơn giản hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính những vẫn đảm bảo quản lý được hàng hóa nhập khẩu, dự thảo Nghị định đã quy định cụ thể thời gian thực hiện và các trường hợp phải xác minh khi cấp Giấy phép CITES nhập khẩu tại khoản 3 Điều 17 dự thảo Nghị định như sau:

3. Trình tự tham vấn:

  1. a) Trường hợp tham vấn với cơ quan có liên quan của nước xuất khẩu, tái xuất khẩu: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam gửi tham vấn qua thư điện tử.

Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả tham vấn của cơ quan cấp giấy phép CITES xuất khẩu, tái xuất khẩu, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam thực hiện cấp giấy phép cho tổ chức, cá nhân hoặc từ chối cấp phép, nêu rõ lý do bằng văn bản.

Trường hợp quá 30 ngày, kể từ ngày tham vấn Cơ quan quản lý CITES Việt Nam không nhận được kết quả tham vấn của cơ quan cấp giấy phép CITES xuất khẩu, tái xuất khẩu, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đồng thời trả lại hồ sơ.

  1. b) Trường hợp tham vấn với Cơ quan khoa học CITES Việt Nam: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam gửi văn bản tham vấn đến Cơ quan khoa học CITES Việt Nam.

Trong thời hạn không quá 20 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, cơ quan khoa học CITES có trách nhiệm trả lời bằng văn bản.

Trong thời hạn không quá 05 ngày, kể từ ngày nhận được kết quả tham vấn của cơ quan khoa học CITES Việt Nam, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam thực hiện cấp giấy phép cho tổ chức, cá nhân hoặc từ chối cấp phép, nêu rõ lý do bằng văn bản.

Hiện dự thảo Nghị định đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ xem xét ban hành.

Câu hỏi: Việc quyết định đưa một loài vào các Phụ lục CITES khi có đề xuất của một hoặc nhiều quốc gia và được sự chấp thuận của Ban Thư ký CITES. Chúng tôi là Doanh nghiệp nhập khẩu có đội ngũ cán bộ trực tiếp tại châu Phi để thu mua gỗ và nguồn gỗ ở đây rất dồi dào, chưa có dấu hiệu nguy cấp, quý hiếm. Vậy, xin cho chúng tôi biết tiêu chí nào để xếp một loài vào danh mục nguy cấp, quý hiếm và việc sửa đổi, bổ sung loài vào các Phụ lục có diễn ra một cách định kỳ hay không?

Trả lời: Căn cứ Điều XI Công ước CITES, theo đó việc sửa đổi, bổ sung Phụ lục I, II của Công ước sẽ được thực hiện tại mỗi kỳ họp Hội nghị các quốc gia thành viên CITES, định kỳ tổ chức từ 2-3 năm/lần. Điều XV Công ước CITES quy định về việc sửa đổi, bổ sung Phụ lục I, II CITES, cụ thể như sau:

1. Các quy định dưới đây áp dụng cho việc sửa đổi, bổ sung Phụ lục I và II tại các cuộc họp Hội nghị các quốc gia thành viên:

(a) Mọi quốc gia thành viên đều có thể đề xuất sửa đổi, bổ sung Phụ lục I và II để xem xét tại cuộc họp Hội nghị các quốc gia thành viên sắp tới. Nội dung của đề xuất sửa đổi phải được thông báo cho Ban thư ký trước cuộc họp 150 ngày. Ban thư ký sẽ tham vấn ý kiến các quốc gia thành viên khác và các tổ chức có liên quan theo quy định tại Điểm (b) và (c), Khoản 2 của Điều này và sẽ thông báo đến tất cả các quốc gia thành viên 30 ngày trước cuộc họp.

(b) Các sửa đổi, bổ sung sẽ được thông qua với 2/3 số các Quốc gia thành viên có mặt và bỏ phiếu tán thành. “Các Quốc gia thành viên có mặt và bỏ phiếu” có nghĩa là chỉ tính các Quốc gia thành viên có mặt và bỏ phiếu thuận hay phiếu chống. Các quốc gia thành viên bỏ phiếu trắng không được tính trong tỷ lệ 2/3 để thông qua các sửa đổi.

(c) Các sửa đổi, bổ sung được thông qua tại phiên họp sẽ có hiệu lực trong thời hạn không quá 90 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ họp, trừ các sửa đổi, bổ sung cần được bảo lưu phù hợp với Khoản 3 của Điều này.

  1. Những quy định dưới đây sẽ áp dụng cho việc sửa đổi, bổ sung Phụ lục I và II giữa các kỳ họp của Hội nghị các quốc gia thành viên:

(a) Mọi quốc gia đều có thể đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Phụ lục I và II để được xem xét giữa các kỳ họp thông qua thủ tục bỏ phiếu qua đường bưu điện quy định tại Khoản này.

(b) Đối với các loài ở biển, Ban Thư ký sau khi nhận được các đề xuất sửa đổi, bổ sung sẽ ngay lập tức thông tin cho các quốc gia thành viên. Ban thư ký cũng sẽ tham vấn với các tổ chức liên chính phủ có chức năng liên quan tới những loài này, đặc biệt là các thông tin về dữ liệu khoa học mà các tổ chức này có thể cung cấp và để đảm bảo kết hợp các biện pháp bảo tồn do các tổ chức đó thực hiện. Ban thư ký sẽ thông tin về các quan điểm và các số liệu do các tổ chức đó cung cấp cũng như các phát hiện và khuyến nghị của Ban thư ký tới các quốc gia thành viên trong thời gian sớm nhất.

(c) Đối với các loài không ở biển, sau khi nhận được đề xuất sửa đổi, Ban thư ký sẽ ngay lập tức thông tin cho các quốc gia thành viên và sau đó sẽ thông báo các khuyến nghị của mình cho các quốc gia thành viên ngay sau khi có thể.

(d) Trong vòng 60 ngày, kể từ ngày Ban thư ký gửi thông báo các khuyến nghị của mình đến các quốc gia thành viên theo quy định tại Điểm (b) hoặc (c) của Khoản này, thì các quốc gia thành viên phải gửi đến Ban thư ký các ý kiến đóng góp của mình về đề xuất sửa đổi cùng các thông tin và dữ liệu khoa học có liên quan.

(e) Ban thư ký sẽ trao đổi các thông tin phản hồi mà Ban thư ký đã nhận được kèm đề xuất của mình tới các quốc gia thành viên sớm nhất có thể.

(f) Nếu Ban thư ký không nhận được bất kỳ sự phản đối nào về đề xuất sửa đổi thì trong vòng 30 ngày kể từ ngày Ban thư ký gửi thông tin phản hồi theo quy định tại Điểm (e) của Khoản này, thì đề xuất sửa đổi sẽ có hiệu lực thực thi sau 90 ngày tiếp theo đối với tất cả các quốc gia thành viên trừ những quốc gia thành viên bảo lưu ý kiến theo quy định tại Khoản 3 của Điều này.

 (g) Nếu Ban thư ký nhận được ý kiến phản đối từ bất kỳ một quốc gia thành viên nào, thì mọi đề xuất về việc sửa đổi, bổ sung sẽ được đệ trình để bỏ phiếu qua đường bưu điện theo quy định tại các Điểm (h), (i) và (j) của Khoản này.

(h) Ban thư ký sẽ thông báo cho các quốc gia thành viên về các ý kiến phản đối mà Ban thư ký nhận được

(i) Nếu Ban thư ký không nhận nhận được phiếu thuận, phiếu chống hoặc phiếu trắng từ ít nhất 1/2 số quốc gia thành viên trong vòng 60 ngày tính từ ngày thông báo theo quy định tại Điểm (h) của Khoản này, đề xuất sửa đổi, bổ xung sẽ được chuyển sang phiên họp tiếp theo của Hội nghị các Quốc gia thành viên để xem xét.

(j) Trường hợp Ban thư ký nhận được các phiếu bầu từ ít nhất một nửa số thành viên, các sửa đổi, bổ sung sẽ được thông qua bởi 2/3 số phiếu tính theo phiếu thuận và phiếu chống.

(k) Ban thư ký sẽ thông báo cho tất cả các quốc gia thành viên về kết quả bỏ phiếu.

(l) Nếu đề xuất sửa đổi, bổ sung được thông qua thì đề xuất đó sẽ có hiệu lực thực thi trong vòng 90 ngày tính từ ngày thông báo của Ban thư ký về sự thông qua này tới mọi quốc gia thành viên trừ những quốc gia bảo lưu theo Khoản 3 của Điều này.

  1. Trong thời hạn 90 ngày theo quy định tại Điểm (c) Khoản 1 hoặc Điểm (l) Khoản 2 Điều này, mọi quốc gia thành viên đều có thể thông báo bằng văn bản cho Chính phủ nước lưu chiểu để yêu cầu bảo lưu về vấn đề sửa đổi, bổ sung.

Tới khi sự bảo lưu này được rút bỏ, quốc gia thành viên yêu cầu bảo lưu sẽ được coi là một nước không thuộc thành viên của Công ước đối với loài đó.”

Hội nghị các quốc gia thành viên CITES lần thứ 17 cũng đã thông qua Nghị quyết 9.24 quy định về các Tiêu chí sửa đổi, bổ sung Phụ lục I, II CITES, theo đó ban hành các tiêu chí cụ thể (như về số lượng quần thể, cấu trúc quần thể, các mối đe dọa đối với loài, việc sử dụng và buôn bán hợp pháp và bất hợp pháp tại các quốc gia nguồn gốc, hệ thống pháp luật quốc tế và trong nước liên quan v.v…) và hình thức báo cáo đề xuất sửa đổi loài để các quốc gia thành viên nghiên cứu, thực hiện thống nhất.

Câu hỏi: Chúng tôi là hộ kinh doanh ở làng nghề có sử dụng nhiều các loại gỗ nhập khẩu từ châu Phi như Hương padouk, Tếch châu phi, Gõ đỏ. Trên thực tế, giao dịch nhỏ lẻ gỗ nguyên liệu rất phổ biến đối với hộ kinh doanh, một khúc gỗ xẻ, một chi tiết gỗ được hộ kinh doanh mua về từ các nhà phân phối. Do giao dịch nhỏ lẻ, ngắt quãng nên khó thu thập hồ sơ gỗ nhập khẩu cho mỗi lần mua gỗ. Theo quy định về hồ sơ gỗ, hộ kinh doanh phải có: 1- bảng kê lâm sản (bản chính); 2- hồ sơ lâm sản chuyển giao quyền sở hữu từ tổ chức, cá nhân liền kề trước đó (bản sao); 3- sổ theo dõi nhập, xuất lâm sản và 4- Mở sổ theo dõi hoạt động. Là những hộ kinh doanh chế biến gỗ nhỏ lẻ, chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi đáp ứng các yêu cầu này. Chúng tôi rất mong cơ quan kiểm lâm và cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam tư vấn cho chúng tôi làm thế nào để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nêu trên. 

Trả lời: Trong những năm qua, hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam liên tục tăng từ 7,201 tỷ USD năm 2017 lên 13,467 tỷ USD năm 2023, gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã tạo được thương hiệu, uy tín trên thị trường quốc tế. Để đạt được những kết quả đó, Việt Nam đã có những chính sách cụ thể, vừa thúc đẩy sự phát triển sản xuất, đảm bảo minh bạch về truy xuất nguồn gốc hợp pháp của gỗ cũng như các loại lâm sản khác, quy định về trách nhiệm giải trình của chủ lâm sản. Đồng thời, yêu cầu này cũng là thực hiện nội dung của Việt Nam đã ký cam kết với Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ về tăng cường quản lý hoạt động khai thác và thương mại gỗ; theo đó, gỗ và sản phẩm gỗ khi xuất khẩu phải có đầy đủ các bằng chứng chứng minh tính hợp pháp của lô hàng gỗ để phục vụ trách nhiệm giải trình cho cơ quan chức năng kiểm tra, truy xuất khi cần thiết. Để quản lý và truy xuất nguồn gốc lâm sản, Việt Nam đã xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết nội dung này, cụ thể là Nghị định số 102/2020/NĐ-CP ngày 01/9/2020 quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam và Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản. Vì vậy, đề nghị tổ chức, hộ kinh doanh nghiên cứu, áp dụng đúng quy định về hồ sơ gỗ nhập khẩu tại khoản 5 Điều 4 và Điều 7 Nghị định số 102/2020/NĐ-CP; hồ sơ mua bán, chuyển giao quyền sở hữu và lưu thông trong nước tại Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT.

Câu hỏi: Doanh nghiệp nhập khẩu gỗ gõ đỏ từ South Sudan và quá cảnh qua Uganda và Kenya. Nguồn gốc gỗ từ South Sudan và nước này không tham gia Công ước CITES. Việc nhập khẩu gỗ từ nước không tham gia CITES có được phép hay không? Nếu được thì cần giấy tờ gì và thủ tục ra sao? Trong trường hợp South Sudan cấp hạn ngạch xuất khẩu (Quota) thì Doanh nghiệp có được nhập khẩu không?

Trả lời: Điều X Công ước CITES quy định về buôn bán với quốc gia không phải thành viên Công ước quy định: “Khi xuất khẩu, tái xuất khẩu tới hay nhập khẩu từ một nước không phải là thành viên Công ước, thì các Quốc gia thành viên Công ước có thể chấp thuận loại giấy phép do cơ quan có thẩm quyền của nước không phải là thành viên cấp nếu chúng phù hợp với các quy định về giấy phép, chứng chỉ của Công ước”.

Nghị quyết 9.5 (sửa đổi, bổ sung tại CoP16) về Buôn bán với quốc gia không phải là thành viên Công ước (hướng dẫn thực hiện Điều X Công ước) quy định giấy phép và chứng chỉ ban hành bởi quốc gia không phải là thành viên Công ước phải gồm các thông tin sau:

  1. i) Tên, dấu và chữ ký của cơ quan có thẩm quyền ban hành;
  2. ii) Xác định đầy đủ các loài có liên quan vì những mục đích của Công ước;

iii) Chứng nhận xuất xứ của mẫu vật liên quan, bao gồm số giấy phép xuất khẩu từ nước xuất xứ hoặc lý do bỏ qua chứng nhận đó;

  1. iv) trường hợp xuất khẩu mẫu vật của loài thuộc Phụ lục I hoặc Phụ lục II thì phải có xác nhận của cơ quan khoa học có thẩm quyền thông báo rằng việc xuất khẩu sẽ không gây ảnh hưởng tới sự tồn tại của loài (trong trường hợp nghi ngờ, nên yêu cầu xuất trình bản sao xác nhận của cơ quan khoa học) và các mẫu vật không được thu được trái với quy định của quốc gia xuất khẩu;
  2. v) Trong trường hợp tái xuất khẩu, phải ghi tên của quốc gia nguồn gốc và:
  3. a) Nếu quốc gia nguồn gốc là thành viên Công ước, ghi rõ số giấy phép xuất khẩu và ngày cấp.
  4. b) Nếu quốc gia nguồn gốc không phải là thành viên Công ước, một chứng chỉ có hiệu lực rằng cơ quan có thẩm quyền của nước xuất xứ đã ban hành chứng từ xuất khẩu cơ bản đáp ứng các yêu cầu tại Điều VI của Công ước; hoặc
  5. c) nếu có trường hợp phát sinh thì giải trình về việc bỏ sót thông tin nói trên; và
  6. vi) trong trường hợp xuất khẩu hoặc tái xuất khẩu mẫu vật sống, phải có tuyên bố rằng giấy phép hoặc Giấy chứng nhận chỉ có hiệu lực nếu các điều kiện vận chuyển tuân thủ các quy định về Động vật sống của IATA hoặc, nếu bao gồm loài thực vật, tuân thủ các quy định về hàng hóa dễ hỏng của IATA;

Ngoài ra, cũng theo quy định tại Nghị quyết 9.5 nêu trên, CITES yêu cầu các quốc gia thành viên chỉ chấp nhận tài liệu từ các Quốc gia không tham gia Công ước nếu các thông tin chi tiết của cơ quan có thẩm quyền và các tổ chức khoa học của các quốc gia đó được đưa vào Danh bạ CITES ít nhất hai năm trước, trừ khi Ban Thư ký xác nhận rằng có thông tin cập nhật hơn.

Như vậy, theo quy định của CITES, trường hợp gỗ có nguồn gốc từ South Sudan (quốc gia không phải là thành viên CITES) xuất khẩu về Việt Nam có thể được chấp nhận nếu các bên đảm bảo thực hiện theo đúng các quy định của CITES.

Tuy nhiên, Nghị định số 06/2019/NĐ-CP không quy định trường hợp nhập khẩu mẫu vật thuộc các Phụ lục CITES, cụ thể tại Điều 25 quy định về thành phần hồ sơ đối với mẫu vật CITES là bản sao giấy phép CITES được cấp bởi cơ quan quản lý CITES nước xuất khẩu, tái xuất khẩu.

Hiện nay, gỗ khai thác từ Nam Sudan được nhập khẩu về Việt Nam qua Uganda (Cơ quan Quản lý CITES Uganda cấp giấy phép nhập khẩu gỗ từ Nam Sudan về Uganda, sau đó cấp giấy phép CITES tái xuất khẩu gỗ từ Uganda về Việt Nam).

Để khắc phụ tồn tại này, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 06/2019/NĐ-CP đã quy định trường hợp nhập khẩu các mẫu vật thuộc Phụ lục CITES từ quốc gia không phải là thành viên CITES. Cụ thể tại Điều 17 quy định thành phần hồ sơ cấp giấy phép CITES nhập khẩu từ quốc gia không phải thành viên CITES gồm: (1) Đề nghị cấp giấy phép; (2) Giấy phép do Cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp đối với mẫu vật nhập khẩu từ quốc gia không phải là thành viên CITES. Hiện dự thảo Nghị định đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ xem xét ban hành.

Đặt câu hỏi

  • Hướng dẫn đặt câu hỏi

    Chọn lĩnh vực hỏi đáp phù hợp

    Bố cục câu hỏi nên bao gồm 2 phần. Phần 1 mô tả vấn đề và phần 2 khó khăn, vướng mắc cần giải đáp

    Điền địa chỉ email để nhận câu trả lời

    Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam sẽ trả lời câu hỏi của tổ chức/ cá nhân trong 3 ngày làm việc. Câu hỏi và câu trả lời hay sẽ được lựa trọn để chia sẻ lên mục hỏi đáp DDS

    • Chọn lĩnh vực hỏi đáp:

      Họ tên:

      Email:

      Điện thoại:

      Câu hỏi và câu trả lời hay sẽ được lựa trọn để đăng lên phần hỏi đáp DDS

    • Dịch vụ công

    • Contact Me on Zalo
      0983.477.178