Hỏi đáp Giải trình gỗ nhập khẩu

#
Tiêu đề
Lĩnh vực
Ngày trả lời

Kính gửi DN,

Ban thư ký CITES thông báo ngưng cấp phép CITES vì mục đích thương mại đối với loại gỗ Cocobolo (Dalbergia retusa) kể từ 1/12/2022.

DN có thể xem thông báo tại: 61-E-Notif-2023-057

VP Hiệp hội gỗ & LSVN kính báo!

Kính gửi VIFOREST,

Chúng tôi là DN nhập khẩu gỗ gõ từ Cameroon. Chúng tôi được biết có nhiều loài thực vật đã được Ban thư ký Công ước CITES quyết định đưa vào Phụ lục II nhưng đến thời điểm này, tuy cuộc họp Ban thư ký đã kết thúc nhưng chúng tôi vẫn chưa nhận được thông báo và hướng dẫn từ các cơ quan chức năng về việc sửa đổi, bổ sung danh mục loài mới và thủ tục nhập khẩu các loài này. Chúng tôi rất hoang mang vì các hợp đồng đã được ký và giao dịch đã diễn ra trước ngày các bên đề xuất bổ sung. Nay xin VIFOREST cung cấp cho chúng tôi danh sách chi tiết loài và làm thế nào để giảm thiểu rủi ro khi chúng tôi vẫn tiếp tục nhập khẩu loài này.

Trân trọng cảm ơn,

Kính gửi DN,

Hội nghị Ban thư ký Công ước CITES đã diễn ra từ 14/11-25/11/2022, tại Parama. Cuộc họp lần này nhằm mục tiêu thảo luận và thông qua các đề xuất sửa đổi, bổ sung 52 loài động thực vật, trong đó có 11 loài thực vật. Cụ thể, chi gõ gồm 4 loài sau đã được hội nghị bỏ phiếu nhất trí đưa vào Phụ lục II của công ước CITES như sau:

  1. Afzelia Africana (Doussie, lingue)
  2. Afzelia Bella (Doussie, azodau)
  3. Afzelia bipindensis (Red Doussie)
  4. Afzelia pachyloba (White Doussie)

Ngày 7/12/2022, Bộ Lâm nghiệp và động vật hoang dã Cameroon đã ra thông báo về việc sửa đổi và bổ sung các loài thực vật vào các phụ lục của CITES. Theo đó, Cameroon sẽ bắt đầu áp dụng cấp giấy phép CITES xuất khẩu các loài này kể tử ngày 18/02/2023. DN có thể xem văn bản tại đường link: https://vietfores.org/wp-content/uploads/2023/01/16-Thong-bao-cua-CAMEROON.pdf

Ngày 03/01/2023, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam đã thông báo số 03/CTVN về kết quả biểu quyết các đề xuất sửa đổi, bổ sung Phụ lục CITES. Theo đó tất cả các loài thuộc chi gõ phân bố tại châu Phi đưa vào phụ lục II bao gồm các dạng gỗ tròn, gỗ xẻ, tấm verneer, ván ép và gỗ chuyển hóa. Thời gian bắt đầu áp dụng là 90 ngày kể từ ngày diễn ra hội nghị. DN xem văn bản tại: https://vietfores.org/wp-content/uploads/2023/01/63-CTVN-Tb-kq-bie%CC%82%CC%89u-quye%CC%82%CC%81t-ta%CC%A3i-COP19.pdf

Ngày 12/01/2023, Ban thư ký CITES ra thông báo số 2023/005 về việc các điều chỉnh Phụ lục I và Phụ lục II của CITES đã thông qua tại hội nghị các bên lần thứ 19 tại Parama từ 14-25/11/2022. Theo đó, các thông báo của Ban thư ký sẽ có hiệu lực kể từ ngày 23/02/2023. DN xem văn bản tại: https://vietfores.org/wp-content/uploads/2023/01/16-CITES-E-Notif-2023-005.pdf

Doanh nghiệp vẫn thực hiện các hợp đồng trong thời gian thông báo chưa có hiệu lực nhưng lưu ý thời điểm đưa gỗ ra khỏi nước xuất khẩu. Đối với các lô hàng ra khỏi nước xuất khẩu trước ngày thông báo có hiệu lực nhưng gỗ về cảng đích ở VN sau ngày thông báo có hiệu lực thì DN phải xin giấy phép CITES nhập khẩu. Hồ sơ xin giấy phép CITES nhập khẩu bao gồm Đơn đề nghị cấp giấy phép CITES theo mẫu số 12 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp và bộ hồ sơ nhâp khẩu gỗ bao gồm bill of lading, kiểm dịch (Phytosanitary), hóa đơn thương mại (commercial invoice), hợp đồng (contract), bảng kê gỗ (packing list) và chứng nhận xuất xứ (certification of origin). Cơ quan quản lý CITES sẽ xác minh hồ sơ với cơ quan CITES của nước xuất khẩu trước khi cấp phép nhập khẩu cho DN.

Trong trường hợp này, để giảm thiểu rủi ro, VIFOREST khuyến nghị doanh nghiệp như sau:

  • Thời gian xác minh phụ thuộc nhiều vào thời gian phối hợp xác minh của cơ quan chức năng của nước xuất khẩu. Do đó, để giảm thời gian chờ và giảm chi phi lưu cảng, doanh nghiệp nên nộp hồ sơ xin cấp phép CITES nhập khẩu ngay khi gỗ rời khỏi nước xuất khẩu.
  • Thông báo cho nhà cung ứng và nhờ họ hỗ trợ thúc đẩy quá trình xác minh tại nước xuất khẩu.
  • Liên lạc với các cơ quan chức năng và VIFOREST để có thông tin cập nhật về các sửa đổi, bổ sung và đăng ký nhận các thông báo từ Ban thư ký của công ước CITES.
  • Sau cuộc họp Ban thư ký, các quốc gia thành viên của công ước sẽ tính toán khả năng cung ứng vì mục đích thương mại các loài thuộc các phụ lục của CITES ở trong nước nhằm mục đích không khai thác quá mức tăng trưởng và bảo tồn loài. Sau đó, các quốc gia này sẽ công bố hạn ngạch xuất khẩu (export quota) hàng năm. Do đó, để giảm thiểu rủi ro nguồn cung, DN nên cập nhật thông tin về hạn ngạch xuất khẩu loài gõ của Cameroon tại: https://cites.org/eng/resources/quotas/export_quotas?field_country_target_id=All&field_species_target_id=&field_date_value%5Bmin%5D=2000-01-01&field_date_value%5Bmax%5D=2022-12-31

Doanh nghiệp thực hiện các bước sau để tải công cụ tìm kiếm hạn ngạch xuất khẩu:

Bước 1: DN kick chuột vào ô Export Quota Tool (khoanh tròn màu đỏ như hình dưới)

Bước 2: Kick chuột vào mục Species (hình số 1 màu đỏ khoanh tròn trong hình bên dưới) để tìm tên loài đã có hạn ngạch xuất khẩu và lựa chọn mục Year (hình số 2 màu đỏ khoanh tròn trong hình bên dưới) để tìm năm áp dụng.

Bước 3: Nhập tên loài vào ô trống mục Species và chọn APPLY. Trong hình bên dưới, DN sẽ thấy loài trắc có tên khoa học là Dalbergia cochinchinensis được Việt Nam nộp lên Ban thư ký ngày 18/3/2022 với hạn ngạch là 0.

  • DN có thể tra cứu thông tin thương mại của một loài cụ thể và các quốc gia xuất khẩu, nguồn gốc bằng cách truy cập trang web của Ban thư ký link: https://trade.cites.org/en/cites_trade/#

Dữ liệu tìm kiếm cho thấy năm 2020 loài giáng hương tây phi được DN Việt Nam nhập khẩu từ Senegal với số lượng 347 m3.

  • Trong dài hạn, doanh nghiệp cần cập nhật thường xuyên những dấu hiệu và nhận biết tiềm năng CITES có thể bổ sung loài mới vào danh mục CITES. Ví dụ gần đây nhất là ngày 13/01/2023, Israel đề xuất đưa loài Daboia palaestinae (Palestine viper) vào phụ lục III và đề xuất sự hỗ trợ của các bên trong việc kiểm soát loài này. Như vậy, loài này sẽ được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thường niên 2023 và có thể các bên sẽ bỏ phiếu đồng thuận theo đề nghị.

Trân trọng,

VP VIFOREST

THÔNG BÁO

Các điều chỉnh Phụ lục I và II của Công ước CITES

Kính gửi DN,

Ngày 12/01/2023, Ban thư ký CITES ra thông báo số 2023/005 về việc các điều chỉnh Phụ lục I và Phụ lục II của CITES đã thông qua tại hội nghị các bên lần thứ 19 tại Parama từ 14-25/11/2022. Chi tiết như sau:

HỌ ĐINH

Bignoniaceae

Tất cả các loài thuộc chi Cẩm (Handroanthus spp; Roseodendron spp; Tabebuia spp). Có hiệu lực sau 24 tháng (25/11/2024)

Handroanthus spp., Roseodendron spp. and Tabebuia spp. with
annotation #17 <Entry into effect delayed by 24 months, i.e. until 25
November 2024>

HỌ LÁ BỎNG (CẢNH THIÊN)

Crassulaceae

Rhodiola spp. with annotation #2
HỌ ĐẬU

Leguminosae

Tất cả các loài gõ Afzelia (chỉ áp dung cho chi phân bổ ở châu Phi, không đưa các loài phân bố ở các quốc gia khác vào phụ lục)

Afzelia spp. with annotation #17 (Only the African populations; no other
population is included in the Appendices)

Các loài thuộc chi Dipteryx có hiệu lực sau 24 tháng (25/11/2024)

Dipteryx spp. with annotation #17 <Entry into effect delayed by 24
months, i.e. until 25 November 2024>

Các loài thuộc chi Giáng hương (chỉ áp dụng với các loài phân bố ở châu Phi, không áp dụng với các loài phân bố ở các quốc gia khác)

Pterocarpus spp. with annotation #17 (Except P. santalinus which is
included in Appendix II with annotation #7; only the African populations;
no other population is included in the Appendices)

HỌ XOAN

Meliaceae

Các loài thuộc chi Xà Cừ (chỉ áp dụng với các loài phân bố ở châu Phi)

Khaya spp. with annotation #17 (Only the African populations; no other
population is included in the App

Theo quy định tại Điều XV, đoạn 1, mục (c), của Công ước, các sửa đổi được thông qua tại cuộc họp lần thứ 19 của Hội nghị các Bên sẽ có hiệu lực sau 90 ngày kể từ cuộc họp đó, tức là vào ngày 23 tháng 02 năm 2023, dành cho tất cả các Bên ngoại trừ những Bên đưa ra bảo lưu.

Theo đoạn 7 của Nghị quyết Conf. 4.6 (Rev. CoP18) về việc đệ trình dự thảo nghị quyết, dự thảo quyết định và các tài liệu khác cho các cuộc họp của Hội nghị các Bên, các Nghị quyết và Quyết định được thông qua tại cuộc họp lần thứ 19 của Hội nghị các Bên cũng sẽ có hiệu lực vào ngày 23 tháng 2 năm 2023 .

Chi tiết văn bản: 16-CITES E-Notif-2023-005

Chi tiết vui lòng liên hệ VP VIFOREST: 024-37833016; 0983477178

Văn phòng VIFOREST

 

Kính gửi Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam,

Chúng tôi là doanh nghiệp nhập khẩu gỗ từ Ghana. DN được biết các bên thực thi công ước CITES đã nhóm họp tại PARAMA từ ngày 14-25/11/2022 để bàn về việc sửa đổi, bổ sung một số loài thực vật vào Phụ lục II CITES. Cuộc họp đã kết thúc hơn một tháng nhưng các cơ quan chức năng ở Ghana vẫn chưa có thông báo cho doanh nghiệp về chi tiết loài và thời gian có hiệu lực. Chúng tôi rất mong Hiệp hội cung cấp cho DN thông báo của CITES và các thông tin cần thiết để DN chuẩn bị ứng phó và lập kế hoạch kinh doanh.

Trân trọng cảm ơn,

Kính gửi DN,

Hội nghị các bên thực thi công ước về buôn bản các loài động thực vật hoang dã (CITES) đã nhóm họp tại PARAMA từ ngày 14-25/11/2022. Ngày 6/12/2022, Ban thư ký đã ban bố dự thảo báo cáo sửa đổi bổ sung các loài động thực vật vào các Phụ lục của CITES. Danh mục đề xuất gồm 52 loài động thực vật để đưa ra thảo luận tại kỳ họp tháng 11 năm 2022. Trong đó có sửa đổi, bổ sung 11 loài thực vật.

DN có thể truy cập link để tài và đọc báo cáo: https://cites.org/sites/default/files/notifications/E-Notif-2022-083.pdf

Ngày 3/1/2023, Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam đã ra thông báo số 03/CTVN ngày 3/1/2023 về kết quả biểu quyết các đề xuất sửa đổi, bổ sung Phụ lục CITES. Link văn bản:  63- CTVN- Tb kq biểu quyết tại COP19

Trân trọng,

VP VIFOREST

 

Kính gửi doanh nghiệp,

Công ty chúng tôi nhập khẩu gỗ gõ đỏ có tên khoa học là Afzelia xylocarpa từ Ghi-nê Xích đạo. Chúng tôi được biết đây là quốc gìa thuộc vùng địa lý không tích cực nên để giảm thiểu rủi ro, doanh nghiệp chúng tôi phải làm gì?

Trân trọng cảm ơn.

Kính gửi doanh nghiệp,

Gỗ gõ đã được nhập khẩu vào Việt Nam từ nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước thuộc châu Phi (Bờ Biển Ngà (Cote D’Ivoire (Ivory Coast); Găm-bi-a (Gambia); Ga-na (Ghana); Ghi Nê (Guinea); Kê-ni-a (Kenya); Mô-dăm-bích (Mozambique); Ni-giê-ri-a (Nigeria). Năm 2020, nhập khẩu loại gỗ này vào Việt Nam đạt 109.765 m3 gỗ xẻ và 168.854 m3 gỗ tròn.

Công ty nhập khẩu gỗ từ Ghi-nê Xích Đạo là nước không thuộc vùng địa lý tích cực (tra vùng địa lý tích cực tại: https://vietfores.org/wp-content/uploads/2021/12/PLII.QD-4832.QD-BNN-TCLN-ve-Danh-sach.pdf)

Gỗ gõ có tên khoa học là Afzelia xylocarpa thuộc loại gỗ rủi ro vì nằm trong danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (thuộc Phụ lục IIA Nghị định 06/2019/NĐ-CP). Tra cứu loài rủi ro tại: https://vietfores.org/danh-muc-loai-go-rui-ro-khi-nhap-khau-vao-viet-nam/.

Do đó, doanh nghiệp phải kê khai nguồn gốc gỗ nhập khẩu theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Nghị định 102/2020/NĐ-CP.  

Để nhận biết và giảm thiểu rủi ro, doanh nghiệp có thể tham khảo các quy định pháp lý gỗ của Ghi-Nê Xích Đạo tại đây https://vietfores.org/wp-content/uploads/2021/11/Guine.pdf và các tài liệu hướng dẫn nhận biết rủi ro tạihttps://vietfores.org/wp-content/uploads/2021/12/01.-Nhan-biet-rui-ro.pdf)

Sau đây là các gợi ý để giảm thiểu rủi ro về pháp lý và thương mại:

Bước 1: Lựa chọn nhà cung ứng uy tín

Có rất nhiều nhà cung ứng gỗ, trực tiếp tại cảng hoặc gián tiếp thông qua các sàn giao dịch điện tử, nhưng việc giới thiệu/ đề xuất từ các nhà nhập khẩu của Việt Nam là một kênh tốt để bạn tham khảo khi lựa chọn nhà cung ứng gỗ. Bạn có thể nhờ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam xác minh nhà cung ứng gỗ. Ngoài ra, doanh nghiệp phải lựa chọn các hình thức thanh toán phù hợp và an toàn để tránh rủi ro với các nhà cung ứng mới.

Bước 2: Nhận biết rủi ro

Để nhận biết rủi ro, Doanh nghiệp có thể sử dụng mẫu DD 08 của Proffered by Nature trên website https://vietfores.org/wp-content/uploads/2021/12/DD-08-Danh-muc-Nhan-dang-Rui-ro-VIE.xlsx. Doanh nghiệp có thể download và điều chỉnh để sử dụng cho phù hợp với hệ thống quản lý và mục đích của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp thực hiện thứ tự các hoạt động sau:

  1. Đánh giá tính sẵn có của thông tin:
  • Yêu cầu đầu tiên dành cho nhà cung ứng là họ sẽ cung cấp giấy tờ gì theo lô gỗ? giấy tờ bổ sung ngoài bộ hồ sơ xuất khẩu theo quy định là gì? hồ sơ có đầy đủ thông tin về nguồn gốc và tình trạng pháp lý ở mức độ chi tiết cho phép đánh giá rủi ro không? có nhất quán với dữ liệu về sự phân bố và sẵn có của loài không? các hóa đơn và chứng từ vận chuyển kèm theo lô hàng có thể hiện thuế và phí và đường đi của gỗ không?
  • Sự sẵn có thông tin về lô gỗ ở mức độ nào, doanh nghiệp có thể tiếp cận thông tin từ nhà cung ứng hay không?
  1. Các hành động sau cần được thực hiện

Xác minh tên loài:

Trong tậm của việc xác minh nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro đối với loài cấm xuất khẩu hoặc không đúng tên. Có những trường hợp nhà cung cấp có thể cung cấp thông tin cho biết loài và nguồn gốc của nguyên liệu mà trên thực tế, không có loài nào như vậy được trồng ở địa phương. Trong nhiều trường hợp, tên loài ghi trong hồ sơ xuất khẩu không nhất quán với tên loài ghi trong toàn bộ chuỗi cung. Ban lưu ý cách ghi đúng trong trường hợp này là Doussié logs (Afzelia xylocarpa). Doanh nghiệp có thể truy cập đường link này để tra tên khoa học của loài dựa trên tên thương mại (http://www.tropicaltimber.info/) hoặc tra tên khoa học loài tại đây https://vietfores.org/danh-muc-loai-go-rui-ro-khi-nhap-khau-vao-viet-nam/

Gỗ bị trộn lẫn:

Gỗ bị nhầm hoặc lẫn các loài khác hoặc đưa loài không có trong hợp đồng mua bán, loài cấm xuất khẩu,… việc này sẽ đặt doanh nghiệp vào rủi ro buôn lậu hoặc không thể thông quan do kiểm hóa phát hiện loài cấm. Với những hình ảnh gỗ trước khi xếp công ten nơ, bằng trực quan và kinh nghiệm, doanh nghiệp nhận biết màu sắc gỗ gỗ để phát hiện ra những bất thường dựa vào hình ảnh do đối tác cung cấp. Trong điều kiện không thể giám sát vì điều kiện đi lại, doanh nghiệp nên yêu cầu nhà cung ứng cung cấp hình ảnh, video và định vị phương tiện vận chuyển ở những điểm vận chuyển quan trọng như bãi gỗ, xếp vào và kẹp chì công-ten-nơ (ví dụ hình ảnh ở dưới). Cần đưa các ràng buộc hợp đồng và các khoản bồi thường khi gỗ bị trộn lẫn.

Xác minh nguồn gốc gỗ

Công ty kiểm tra sự nhất quán trong hồ sơ về số lượng, chủng loại và nguồn gốc. Ví dụ: 

Tình trạng chứng nhận

Sự nhất quán về khối lượng (138,305 m3); loại gỗ Bilinga/Badi Logs (Nauclea diderrichii). Trong trường hợp thiếu đồng bộ về hồ sơ, đặc biệt là khối lượng trong giấy kiểm dịch nhiều hơn khối lượng trong chứng nhận xuất xứ hoặc vận đơn với bảng kê gỗ, doanh nghiệp cần yêu cầu nhà cung ứng cung cấp giấy phép khai thác. Giấy phép khai thác (Autorización de Apeo) do Tổng thống nước Cộng hoà Ghi-nê Xích đạo ký và ban hành. Chứng từ này cho phép chủ rừng hoặc bên thứ ba triển khai các hoạt động đốn gỗ, bao gồm khai thác và các hoạt động khác trong khu vực rừng cho thuê. Trên giấy phép chỉ rõ diện tích của khu vực nhượng quyền, thời hạn cấp phép đốn gỗ, toạ độ của các làng xóm lân cận để thực hiện các nghĩa vụ xã hội. Giấy phép này áp dụng cho các khu vực rừng tư nhân và rừng cộng đồng nhưng không áp dụng cho trường hợp nhượng quyền rừng trong rừng tự nhiên.

Gỗ được khai thác từ những khu rừng có chứng nhận sẽ thuận lợi để thực hiện kê khai nguồn gốc gỗ nhập khẩu theo mẫu số 03 ban hành kèm theo NĐ 102/2020/NĐ-CP. Bạn không được nhầm lẫn giữa chứng nhận của DN với chứng nhận của gỗ bởi chứng nhận của gỗ là bằng chứng tốt để bạn kê khai nguồn gốc gỗ. Dựa trên chứng nhận của nhà cung cấp, doanh nghiệp có thể xác minh tại các trang website sau:

  • Chứng nhận FSC: http://info.fsc.org
  • Chứng nhận PEFC: http://www.pefc.org/find-certified/certified-certificates
  • Chứng nhận LegalSource: https://preferredbynature.org/library/fact-sheet/legalsource-certification
  • Rainforest Alliance VLC: http://www.rainforest-alliance.org/forestry/verification/transparency/verification-clients
  • Xác minh LegalHarvest của SCS: http://www.scscertified.com/nrc/legal_harvest_verified_clients.php
  • CertiSource Verified Legal: http://www.doublehelixtracking.com/about-u
  • Bureau Veritas OLB: http://www.bureauveritas.com/home/about-us/our-business/certification/sector-specific-solutions/forest-wood-products/olb/olb-certification-documents-and-standards
  • Soil Association Woodmark VLC: forestrymailbox@soilassociation.org

Kiểm dịch thực vật

Rất nhiều trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật không hợp lệ khi nhập khẩu gỗ vào Việt Nam. Doanh nghiệp lưu ý ở một số quốc gia đã ban hành giấy kiểm dịch điện tử nhưng cơ quan kiểm dịch Việt Nam chưa công nhận bản điện tử vì vậy cần tham vấn kỹ cơ quan kiểm dịch của Việt Nam trước khi tiến hành nhập khẩu. Sự thay đổi thường xuyên người có thẩm quyền ký ban hành giấy chứng nhận cũng dẫn đến việc doanh nghiệp phải giải trình và lô hàng bị lưu cảng trong thời gian dài mà không thể thông quan.

Tuân thủ pháp luật về thuế

Khi yêu cầu nhà cung ứng cung cấp các bằng chứng chi trả thuế, doanh nghiệp lưu ý phải tra cứu thông tin về thuế xuất khẩu và thuế giá trị gia tăng trong nước (Ở Ghi-nê Xích đạo, thuế VAT là 15% và thuế xuất khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ từ áp dụng năm 2021 là 5%)

Xác minh chuỗi cung

Trên thực tế, nguyên liệu được vận chuyển và chế biến ở các quốc gia khác nhau và/hoặc bởi các đơn vị khác nhau do đó chuỗi cung gỗ phức tạp hơn và qua nhiều quy định về kiểm soát chuỗi cung/ quá cảnh ở các nước khác nhau. Việc này có thể là do doanh nghiệp lách thuế xuất khẩu hoặc chuyển vùng để nhận ưu đãi về thuế. Do đó, doanh nghiêp yêu cầu các nhà cung ứng cung cấp các bằng chứng tuân thủ quy định pháp lý ở quốc gia mà gỗ được chuyển quá cảnh. Giấy phép hoặc bằng chứng chi trả các loại phí. Việc lập sơ đồ chuỗi cung ứng giúp có được cái nhìn tổng quan về chuỗi cung, từ rừng đến công ty của bạn.

Doanh nghiệp luôn chủ động phòng ngừa rủi ro gỗ nhập khẩu bằng cách tự xây dựng cho mình công cụ hỗ trợ thực hiện giải trình gỗ nhập khẩu sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro. Các công cụ được cung cấp miễn phí tại https://vietfores.org/cong-cu-ho-tro-xay-dung-he-thong-giai-trinh-go-nhap-khau/ 

Trân trọng,

VIFOREST

Kính gửi Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam,

Công ty tôi muốn xây dựng hệ thống giải trình. Chúng tôi cần làm những gì?

Trân trọng cảm ơn.

 

Kính gửi doanh nghiệp,

Định nghĩa và tính phức tạp của trách nhiệm giải trình

  • Trong bối cảnh ngày, trách nhiệm giải trình được hiểu là trách nhiệm (hay sự cố gắng tối đa) của doanh nghiệp gỗ trong việc truy xuất nguồn gốc gỗ và chứng minh tính hợp pháp của các sản phẩm gỗ được mua bán.
  • Quy mô của một hệ thống trách nhiệm giải trình phụ thuộc vào số lượng và mức độ phức tạp của chuỗi cung ứng, vd: có nhiều đơn vị trung gian và/hoặc thương lái, nhà vận chuyển, loài gỗ và xuất xứ gỗ.

Xây dựng hệ thống trách nhiệm giải trình

  • Xây dựng một hệ thống với các chính sách, quy trình, cơ cấu tổ chức, biểu mẫu, checklist và người chịu trách nhiệm.
  • Thu thập thông tin từ chuỗi cung ứng.
  • Đánh giá chuỗi cung ứng và các khoảng trống/ rủi ro.
  • Thực hiện các biện pháp giảm thiểu rủi ro và lưu trữ hồ sơ.

Thực hiện trách nhiệm giải trình

  • Đánh giá tính xác thực của hồ sơ về mặt ngày tháng, giai đoạn và thẩm quyền.
  • Kiểm tra xem mỗi chứng từ có được cập nhật, ký/ đóng dấu bởi cơ quan có thẩm quyền hay không, có nhất quán và logic về mặt thông tin trong bản thân chứng từ, cũng như đối chiếu với các giấy tờ được cung cấp và sản phẩm thực tế (vd: loài gỗ, khối lượng, địa điểm, v.v.) được bán/ xuất khẩu.
  • Các biện pháp sau cũng có thể được áp dụng: yêu cầu thêm thông tin từ nhà cung cấp, tham vấn với các bên liên quan, kiểm định gỗ, gửi nhân viên kiểm tra nguồn gỗ, và/hoặc thuê một bên thứ ba để kiểm tra trên thực địa.

Trân trọng,

Hiêp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam

Kính gửi Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam,

Doanh nghiệp nhập khẩu gỗ có chứng nhận FSC và từ quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực, doanh nghiệp có phải giải trình gỗ nhập khẩu hay không? Làm thế nào để nhận biết rủi ro và giảm thiểu.

Trân trọng cảm ơn.

Kính gửi doanh nghiệp,

Gỗ có chứng nhận FSC chưa được công nhận là gỗ hợp pháp trong Hiệp định VPA và chưa rõ loại gỗ DN nhập khẩu có phải là loài rủi ro hay không. Do đó, doanh nghiệp cần biết tên khoa học của loài. Doanh nghiệp tra cứu danh mục loài rủi ro trên trang website của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) https://vietfores.org/danh-muc-loai-go-rui-ro-khi-nhap-khau-vao-viet-nam/. Nếu DN nhập khẩu gỗ thuộc phụ lục CITES thì phải có giấy chứng nhận CITES. Nếu DN có giấy phép CITES hoặc giấy phép FLEGT thì doanh nghiệp chỉ lập bảng kê gỗ theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định 102/2020/NĐ-CP.

Nếu DN nhập khẩu loài nằm trong danh mục các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA, Nhóm IIA; Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấpNghị định số 84/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP và loài lần đầu nhập khẩu vào Việt Nam, doanh nghiệp phải thực hiện kê khai theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Nghị định 102/2020/NĐ-CP bao gồm các biện pháp giảm thiểu rủi ro.

Lưu ý: Chính phủ Việt Nam, có kế hoạch xem xét các chương trình chứng nhận tự nguyện (FSC, PEFC, MTCC, SFI v.v.) về việc đảm bảo tính hợp pháp của các hệ thống chứng nhận này để đưa vào công nhận.

Giấy chứng nhận FSC, là một trong các công cụ/biện pháp giảm thiểu rủi ro gỗ bất hợp pháp. Thông tin về chứng nhận FSC nên được kê khai trong mẫu số 03 của NĐ 102.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần kiểm tra xem chứng nhận FSC còn hiệu lực hay không để nhận biết rủi ro. Doanh nghiệp có thể truy cập trang website của FSC và thực hiện các bước sau:

Bước 1: Doanh nghiệp vào địa chỉ web theo đường dẫn sau: https://info.fsc.org/certificate.php

Giao diện tra cứu chứng chỉ FSC

Bước 2: Thực hiện tìm kiếm: Trong giao diện tìm kiếm hiển thị như hình ảnh trên doanh nghiệp có thể lựa chọn cách tìm kiếm theo các thông tin yêu cầu:

  • Tìm kiếm theo Mã số chứng nhận (License Code): Chúng ta có thể lấy License Code trong chứng chỉ FSC (FSC® Cxxxxxx).
  • Tìm kiếm theo Mã số chứng chỉ (CB-FSC/CoC-xxxxxx)
  • Tìm kiếm theo thông tin khác: Trường tìm kiếm này thường thực hiện khi Khách hàng muốn tìm kiếm nguồn hàng có chứng nhận FSC. Dựa vào các trường tìm kiếm, Khách hàng có thể tìm theo Quốc gia, theo tên doanh nghiệp, theo trạng thái chứng nhận…

Mục đích tìm kiếm này để biết: Đơn vị và vị trí rừng được chứng nhận, Chứng nhận còn hiệu lực hay không, Các loài và sản phẩm trong phạm vi chứng nhận v.v.

Trân trọng,

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam

Kính gửi Hiệp hội Gỗ và Lâm sản VIệt Nam,

Làm thế nào để biết loại gỗ nhập khẩu thuộc loại rủi ro? có thể tra cứu danh sách loại gỗ rủi ro và quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực ở đâu?

Trân trọng cảm ơn.

Kính gửi doanh nghiệp,

Kể từ ngày 30 tháng 10 năm 2020 doanh nghiệp nhập khẩu áp dụng quy định nhập khẩu gỗ theo Nghị định 102/2020/NĐ-CP quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp của Việt Nam (VNTLAS). Theo đó, nếu là loại gỗ rủi ro hoặc từ vùng địa lý không tích cực thì doanh  nghiệp phải thực hiện giải trình gỗ nhập khẩu theo mẫu số 03 ban hành kèm theo Nghị định 102/2020/NĐ-CP.

Tuy  nhiên, không bao giờ có rủi ro bằng không. Do vậy, để an toàn cho kinh doanh và hoàn toàn tuân thủ theo Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam và EU, việc thực hiện trách nhiệm giải trình (DD – Due Diligent) là cần thiết. Mẫu số 03 tại NDD102 dùng để liệt kê các biện pháp giảm thiểu rủi ro mà công ty đã thực hiện và các hồ sơ bằng chứng thu thập được trong quá trình thực hành DD. Ví dụ: Giấy phép xuất khẩu, Giấy chứng nhận quản lý rừng bền vững (FSC, PEFC, MTCC, SFI v.v.), Giấy phép khai thác, v.v

  1. Danh mục loại gỗ rủi ro gồm:
  2. Gỗ thuộc các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (sau đây viết tắt là Phụ lục CITES). Danh mục này được ban hành tại Thông báo số 296/TB-CTVN-HTQT. Doanh nghiệp có thể tra cứu trên trang website của VIFOREST: https://vietfores.org/wp-content/uploads/2021/11/Danh-muc-loai-CITES-296.TB-CTVN-HTQT-da-nen.pdf
  3. Gỗ thuộc Danh mục các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA, Nhóm IIA; Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Danh mục này được ban hành tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CPngày 22/01/2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấpNghị định số 84/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP. Doanh nghiệp có thể tra cứu trên trang website của VIFOREST: https://vietfores.org/wp-content/uploads/2021/11/Sua-doi-bo-sung-Nghi-dinh-06.pdfhttps://vietfores.org/wp-content/uploads/2021/11/Sua-doi-bo-sung-Nghi-dinh-06.pdf
  4. Gỗ lần đầu nhập khẩu vào Việt Nam được cập nhật 6 tháng một lần. Bản hiện hành được ban hành tại quyết định số 2905/QĐ-BNN-TCLN, ngày 30/06/2021. Doanh nghiệp có thể tra cứu trên trang website của VIFOREST: https://vietfores.org/wp-content/uploads/2021/11/Phuluc2905.pdf. Gỗ không thuộc Danh sách này, được coi là gỗ lần đầu nhập khẩu vào Việt Nam và do đó, cần thực hiện kê khai theo mẫu 03 tại Nghị định 102/2020/NĐ-CP.

Lưu ý 2: Cần kiểm tra các danh sách vùng địa lý tích cực và loài rủi ro tại thời điểm nhập khẩu vì 2 danh sách này có thể thường xuyên thay đổi.

  1. Danh mục quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực:

Danh mục này do Bộ Nông nghiệp phối hợp với các bộ ngành liên quan và tham vấn các bên liên quan để ban hành. Danh mục đã được ban hành và áp dung trong năm 2021 tại quyết định số 4832/QĐ-BNN-TCLN, ngày 27/11/2020 của Tổng cục Lâm nghiệp. Doanh nghiệp có thể tra cứu văn bản này trên trang website của VIFOREST: https://vietfores.org/wp-content/uploads/2021/11/PLII.QD-4832.QD-BNN-TCLN-ve-Danh-sach.pdf

Trân trọng,

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam

Đặt câu hỏi

  • Hướng dẫn đặt câu hỏi

    Chọn lĩnh vực hỏi đáp phù hợp

    Bố cục câu hỏi nên bao gồm 2 phần. Phần 1 mô tả vấn đề và phần 2 khó khăn, vướng mắc cần giải đáp

    Điền địa chỉ email để nhận câu trả lời

    Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam sẽ trả lời câu hỏi của tổ chức/ cá nhân trong 3 ngày làm việc. Câu hỏi và câu trả lời hay sẽ được lựa trọn để chia sẻ lên mục hỏi đáp DDS

    • Chọn lĩnh vực hỏi đáp:

      Họ tên:

      Email:

      Điện thoại:

      Câu hỏi và câu trả lời hay sẽ được lựa trọn để đăng lên phần hỏi đáp DDS

    • Dịch vụ công

    • Contact Me on Zalo
      0983.477.178